Cần lồng ghép bình đẳng giới nhằm thúc đẩy tính nhạy cảm giới trong Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên

31/05/2024
Sáng 31/5, Hội LHPN Việt Nam tổ chức “Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dưới góc độ giới” nhằm tạo diễn đàn thảo luận các quan điểm và đóng góp ý kiến chuyên môn có giá trị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, trao đổi chuyên sâu các vấn đề quy định của pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên, thực tiễn thực hiện tư pháp đối với người chưa thành niên, vướng mắc trong dự thảo Luật và hướng hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam chủ trì hội nghị

Hội nghị được tổ chức dựa trên cơ sở đánh giá tính phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật.

Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc bảo vệ bản thân, phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu mở đầu hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: “Trong thời gian qua, thực hiện chức năng đại diện, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động góp ý đối với dự thảo Luật, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động lấy ý kiến vào dự thảo Luật, TW Hội LHPN Việt Nam đã gửi 01 công văn góp ý đến cơ quan chủ trì soạn thảo, tham gia ý kiến tại nhiều hội thảo, hội nghị góp ý dự thảo Luật”.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng Dự thảo Luật đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay và đưa ra ý kiến liên quan đến nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các nội dung chính: Các quy định về quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, các quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội, quy định về công tác xã hội trong dự thảo Luật, các biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng với người chưa thành niên nhằm bảo vệ và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; Hoàn thiện hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên…

 PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ ý kiến

Theo PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cần thúc đẩy Lồng ghép giới Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm thúc đẩy tính nhạy cảm giới của Dự thảo luật, giải quyết các vấn đề giới đã nêu, thúc đẩy việc đảm bảo quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên, thúc đẩy tư pháp người chưa thành niên có nhạy cảm giới. Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra các khuyến nghị gồm: rà soát bổ sung, nhấn mạnh rằng tư pháp người chưa thành niên quan tâm bảo vệ quyền con người, nhân phẩm con người, nghiêm cấm kỳ thị, không phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử theo giới; tư pháp người chưa thành niên cần có nhạy cảm giới, phù hợp với giới tính của người chưa thành niên; người thực hiện tư pháp vị thành niên cần có kiến thức về khoa học xã hội, về giới; các dịch vụ hỗ trợ tư pháp vị thành niên cần đáp ứng nhu cầu giới của người chưa thành niên và người thực hiện bảo vệ tư pháp vị thành niên, đặc biệt là nhu cầu giới thực tế, nhu cầu giới chiến lược; tư pháp người chưa thành niên cần thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ, gia đình…

Các đại biểu đều cho rằng Dự thảo Luật đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay và đưa ra ý kiến liên quan đến nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các nội dung của Dự thảo Luật

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam đặt ra vấn đề quan trọng về tái hòa nhập cộng đồng của nhóm này sau khi thực hiện biện pháp giáo dục hoặc án phạt tù. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và công bằng trong quá trình tái hòa nhập, cần phải có sự điều chỉnh và bổ sung để đảm bảo rằng các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện một cách hiệu quả và toàn diện nhất thông qua đào tạo nghề, giáo dục cộng đồng. Cụ thể, theo các đại biểu, việc tăng cường các chính sách và biện pháp hỗ trợ, đào tạo và tư vấn cho người chưa thành niên sau khi họ chấp hành hình phạt sẽ giúp họ dễ dàng hòa nhập trở lại xã hội một cách bền vững hơn; tăng cường năng lực cho các cán bộ thực hiện nghiệp vụ tư pháp và thực hiện công tác xã hội; xây dựng chương trình về dịch vụ đào tạo nghề, vay vốn phát triển kinh tế cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ, giám sát thực hiện…

 

* Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên:

- Quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

- Luật có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video