Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ

15/10/2022
Chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ cả nước sáng 15/10 đã diễn ra trong không khí ấm áp, trang trọng, cởi mở. Các ý kiến của phụ nữ nêu lên tại Hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ, giải đáp rất trách nhiệm, khách quan, sâu sát, thiết thực, có tính xây dựng cao, mang lại sự tin tưởng, phấn khởi trong đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Hội nghị đối thoại

Phát biểu kết luận, tổng kết, đánh giá lại 3 nhóm vấn đề lớn mang tính đặc thù liên quan đến phụ nữ trong Cuộc đối thoại, gồm: Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ với an sinh xã hội và bình đẳng giới; Phụ nữ với thế hệ tương lai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu; đồng thời nhấn mạnh, còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Thủ tướng đánh giá: Định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ. Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới ở một số nơi còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa phát huy hiệu quả, nguồn lực thực hiện các chương trình để phát triển phụ nữ còn bất cập. Nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất; nhiều chị em làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức còn đối mặt với nhiều rủi ro, thiếu an toàn, khó khăn về nhà ở; nhiều trẻ em thiếu cơ sở trường học, nhà trẻ; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.  Môi trường an toàn cho trẻ em chưa thực sự được bảo đảm, nhất là liên quan tới kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, cháy nổ, tai nạn giao thông, bạo lực học đường,… Những câu chuyện đau lòng khi bé gái bị xâm hại hoặc phụ nữ bị bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra.

Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; Tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị trong: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; Xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân chị em phụ nữ; Chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người;  Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự cuộc đối thoại tại điểm cầu Hà Nội

Với các nội dung đối thoại lần này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các quy định một cách toàn diện. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết; phạm vi nào thuộc các bộ, ngành, địa phương thì cấp đó giải quyết; vượt thẩm quyền thì báo cáo với Chính phủ đề xuất các cơ quan chức năng liên quan. Cụ thể:

Về phía Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan:

- Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

- Các bộ, ngành:

+ Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH: Tăng cường các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ.

+ Bộ Y tế: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam; phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

+ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

+ Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Nghiên cứu, báo cáo chủ trương về máy tính cho cán bộ Hội cấp cơ sở, đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc trong bối cảnh thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0.

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ; rà soát, đảm bảo đủ chỗ học an toàn cho trẻ mầm non; chú trọng đưa vào chương trình dạy các kỹ năng sinh tồn và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

+ Bộ Khoa học Công nghệ: Phối hợp xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ và kỹ năng số, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.

+ Các bộ, ngành khác: Chủ động phối hợp xây dựng, triển khai các hoạt động có liên quan đến chín sách phụ nữ.

- Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển KTXH, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

- Đối với Hội LHPN Việt Nam:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vận động phụ nữ tham gia tích cực, thành công phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” và các phong trào, chương trình liên quan.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Chính phủ, các thành viên của Chính phủ với phụ nữ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video