Chuyển đổi số là giải pháp hữu ích trước biến đổi khí hậu
Theo báo cáo mới của Google và Deloitte, các quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vốn có ít nguồn lực nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các dự án thích ứng, trong khi vẫn dễ bị tổn thương trước các cú sốc về khí hậu.
Dữ liệu mới nhất của Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai châu Á cho thấy, chỉ riêng trong năm 2022, gần 13 triệu người ở Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, mưa bão, nhiệt độ khắc nghiệt và cháy rừng. Được xếp vào một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do khí hậu trên toàn thế giới, Đông Nam Á phải đối mặt với thách thức kép: thích ứng với biến đổi khí hậu chủ yếu do khí thải từ các nền kinh tế tiên tiến và xem xét lại các chính sách phát triển đang làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ủy ban Kinh tế - xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) khẳng định rằng chuyển đổi số là chìa khóa để APAC có thể giải quyết được cả hai vấn đề trên, đồng thời bảo vệ các thành phố và nền kinh tế trong tương lai.
Bà Cristina Bernal Aparicio, đồng tác giả của báo cáo Công nghệ số để thích ứng với biến đổi khí hậu của UNESCAP cho rằng “việc áp dụng công nghệ số không chỉ là một lựa chọn công nghệ mà còn là yếu tố quyết định quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển bền vững trước những thách thức toàn cầu đang thay đổi”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến cuối thế kỷ này, các thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu dự kiến sẽ làm giảm 11% GDP của các nền kinh tế Đông Nam Á. Trong kịch bản nghiêm trọng nhất, vào năm 2050, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có thể mất tổng sản lượng kinh tế cao gấp 7 lần GDP năm 2019 do những cú sốc khí hậu gây ra.
Sử dụng AI
Trước những rủi ro khí hậu đang ngày càng gia tăng, đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm đầy sáng tạo dưới dạng các giải pháp kỹ thuật số là một cách hiệu quả để bù đắp những tổn thất kinh tế và bảo vệ mạng sống con người.
Theo đó, gã khổng lồ công nghệ Google cam kết sẽ phát triển các giải pháp tiềm năng để giảm thiểu các cú sốc về khí hậu và tạo điều kiện để công nghệ đó được mở rộng quy mô. Một trong những giải pháp có thể kể đến là Flood Hub - sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp cảnh báo và dự báo thời gian thực về thông tin lũ lụt trước một tuần, cho phép các chính quyền địa phương có đủ thời gian để sơ tán và chuẩn bị ứng phó với thảm họa.
Các giải pháp này đang đặc biệt phát huy tác dụng ở Đông Nam Á – nơi hơn 1/4 dân số trong khu vực phải hứng chịu lũ lụt. Giám đốc điều hành quốc gia của Google tại Singapore Ben King cho biết, công ty đã phát triển các mô hình dự báo lũ lụt siêu cục bộ bằng AI để dự báo nơi lũ lụt ven sông sẽ xảy ra, và mô hình này hiện có sẵn ở những nơi dễ bị lũ lụt như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Song song đó, các giải pháp kỹ thuật số cũng có thể cung cấp cho các thành phố - đặc biệt là các thành phố đang phát triển - quyền truy cập có giá cả phải chăng vào dữ liệu khí thải, cho phép họ đo lường và giải quyết lượng khí thải carbon của thành phố, để từ đó hướng tới mục tiêu giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hướng tới tương lai ít carbon
Dù hiệu quả đến đâu thì công nghệ số cũng phải được mở rộng quy mô để mang lại kết quả hữu hình ở Đông Nam Á, ông King cho biết và nói thêm rằng nếu mở rộng quy mô, công nghệ số có thể giúp làm giảm 20% lượng khí thải vào năm 2050 trong ba lĩnh vực phát thải cao nhất: năng lượng, vật liệu và giao thông vận tải.
Ngoài các giải pháp kỹ thuật số, bà Bernal cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách tập trung vào khí hậu và tăng cường tài trợ. Điều này sẽ giúp Đông Nam Á có đủ nguồn lực để tài trợ cho đổi mới, giảm phát thải carbon và củng cố khả năng phục hồi của khu vực trước biến đổi khí hậu. “Ở các quốc gia APAC, việc hỗ trợ số hóa và đổi mới sẽ rất quan trọng đối với hành động và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu”, bà cho biết.
Trong khi đó, báo cáo của Google và Deloitte lưu ý rằng để tối đa hóa tác động của chuyển đổi số đối với khả năng phục hồi trước các rủi ro khí hậu của Đông Nam Á, các lĩnh vực như kỹ năng kỹ thuật số, nhân lực có chuyên môn cao phải được cải thiện, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật số chiến lược trong giám sát khí hậu, cơ sở hạ tầng và đổi mới.