Cô gái dân tộc Dao Tiền khởi nghiệp và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm ở Hoà Bình

24/02/2023
Xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình là nơi người dân tộc Dao Tiền sinh sống. Người phụ nữ dân tộc Dao Tiền ngoài giờ lao động trồng trọt, cấy hái thì tranh thủ dệt vải, in thêu khăn áo đủ mặc cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra nhà nào có con gái, người mẹ sẽ phải chuẩn bị thêm khăn, váy, áo, xà cạp cuốn chân,…cho con đi lấy chồng đem theo, được coi như của hồi môn không thể thiếu khi con gái đi lấy chồng.
Chị Lý Thị Hằng

Khát vọng giữ gìn, phát triển nghề bản sắc

Ngày nay, mặc dù các sản phẩm thời trang, vải vóc có đủ loại ngoài thị trường nhưng người phụ nữ Dao Tiền vẫn duy trì in, thêu và dạy cho thế hệ nữ trẻ cách thêu thùa và khăn, áo, váy in thêu vẫn là sản phẩm không thể thiếu khi con gái đi lấy chồng cũng như được mặc trong các ngày lễ, tết các hoạt động của dân tộc Dao Tiền. Bên cạnh đó, còn được may thành những túi nhỏ bán, tặng du khách, được du khách rất ưa chuộng vì sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên và thủ công, mang đậm nét cần cù giá trị của những bàn tay khéo léo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Dao Tiền. Sản phẩm được nhuộm màu từ cây Chàm do chị em phụ nữ tự trồng, có màu đen óng nếu quan sát kỹ sẽ là màu đen ánh đỏ, và vì sản phẩm được làm từ sợi bông dệt và nhuộm Chàm nên rất ấm, có mùi thơm đặc trưng.

Với khát vọng giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Dao Tiền, chị Lý Thị Hằng (sinh năm 1994) đã mạnh dạn thành lập một nhóm thêu dệt thổ cẩm xóm Sưng gồm 14 chị em phụ nữ  tham gia, chị Lý Thị Hằng làm nhóm trưởng. Các thành viên trong nhóm góp vốn ban đầu là 500.000 đồng/thành viên để làm nhà xưởng rộng chừng 10m2 và mua nguyên liệu.

Chị Hằng chia sẻ: "Là nơi sinh sống tập trung của người Dao Tiền, xóm Sưng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nét văn hóa độc đáo, tinh thần đoàn kết.  Năm 2017, xóm được lựa chọn triển khai mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ). Bình quân mỗi năm, điểm DLCĐ xóm Sưng tiếp đón trên 2.000 lượt du khách đến thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm, trong đó du khách quốc tế chiếm trên 90%. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có, với sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã, chúng tôi thành lập Tổ hợp tác (THT) sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng vào năm 2019 với mục đích bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Vừa quảng bá, giới thiệu với du khách về những tinh hoa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao Tiền, vừa giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập từ phát triển DLCĐ, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Chị Lý Thị Hằng (giữa) chia sẻ kinh nghiệm cùng các thành viên tổ hợp tác về các sản phẩm thổ cẩm tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Khởi nghiệp với sản phẩm thổ cẩm

Với lợi thế được truyền dạy nghề truyền thống từ nhỏ nên phụ nữ Dao Tiền sử dụng thành thạo các kỹ năng thêu, nhuộm, vẽ sáp ong. Một số sản phẩm được cung cấp ra thị trường như: các loại túi đeo thời trang, bao đựng ipad, laptop, ví mỹ phẩm, khăn quàng, băng đô, thảm trải sàn, vỏ gối, khăn trải bàn… Nét độc đáo của sản phẩm là được sản xuất thủ công với chất liệu sẵn có từ thiên nhiên, được lưu truyền qua bao đời nay. Mỗi họa tiết, hoa văn trang trí trên sản phẩm thổ cẩm đều mang câu chuyện truyền thuyết gắn liền với nguồn cội, đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết của người Dao Tiền.

Mong muốn huy động nguồn lực để thực hiện ý tưởng củng cố, phát triển nghề dệt thổ cẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, thay mặt THT, chị Lý Thị Hằng đã đăng ký tham dự cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh năm 2022” do Hội Liên hiệp thanh niên các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu phối hợp với AEA Việt Nam tổ chức và đã xuất sắc giành giải bạc với dự án "Củng cố và phát triển sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng”. Dự án của chị đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp trong việc lưu giữ các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như: Tập huấn nâng cao năng lực, trang bị kỹ năng xây dựng ý tưởng, thiết kế cho các thành viên THT; quảng bá,tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử; giới thiệu sản phẩm Thông qua điểm DLCĐ trên địa bàn xóm để du khách trực tiếp xem hoặc tham gia quy trình sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm...

Chị Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đà Bắc chia sẻ: Ý tưởng bảo tồn và phát triển các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của người Dao Tiền được chị Lý Thị Hằng triển khai được đánh giá là một trong những mô hình khởi nghiệp ấn tượng. Việc thúc đẩy phát triển mô hình nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền, đồng thời giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Những tấm gương phụ nữ, thanh niên dám nghĩ, dám làm, đặc biệt đối với phụ nữ, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều ý tưởng sáng tạo rất đáng quý, góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, sáng tạo, tiên phong trong xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hương Lan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video