Công tác hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế của Hội LHPN Việt Nam

28/03/2023
Trong quá trình hội nhập chung của đất nước, không thể không kể đến vai trò và đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Với Hội LHPN Việt Nam, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội cũng ngày càng phát triển, tranh thủ được sự ủng hộ nhiều mặt của quốc tế, nâng cao uy tín của Hội trong và ngoài nước. Công tác hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế cũng được Hội quan tâm, coi trọng.
Các thành viên CLB Phụ nữ hội nhập quốc tế về môi trường tỉnh Quảng Bình tham gia tập huấn, tháng 9/2022

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ to lớn mang lại cho đất nước, người dân và phụ nữ thì nhiều vấn đề như bạo lực giới, mua bán người, di cư không an toàn, hôn nhân quốc tế cũng đã và đang tác động nhiều hơn tới phụ nữ. Hội viên, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong hội nhập quốc tế.

Trước tình hình đó, tháng 01/2021, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam ban hành Nghị quyết Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến 2030. Nghị quyết ra đời giúp định hướng các hoạt động đối ngoại và hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế trong hệ thống Hội, đồng thời tạo điều kiện để các cấp Hội đề xuất cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động liên quan. Đây cũng là cơ sở để Hội tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong hội nhập quốc tế.

Nghị quyết hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ để tham gia đóng góp vào tiến trình hội nhập chung của đất nước và đưa Hội trở thành tổ chức có tầm ảnh hưởng trong khu vực, quốc tế. Nghị quyết xác định các nhiệm vụ, giải pháp chung và nhiệm vụ, giải pháp trong 03 nhóm lĩnh vực, bao gồm 1) văn hoá, xã hội và khoa học - công nghệ, 2) kinh tế và 3) an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp chung, Nghị quyết đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực và nhận thức của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về hội nhập quốc tế, đồng thời đầu tư hiệu quả cả bề rộng và chiều sâu cho công tác đối ngoại của Hội, góp phần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho phụ nữ trong hội nhập quốc tế và đặc biệt tăng cường vận động nguồn lực phục vụ công tác hội nhập.

Trong lĩnh vực văn hoá, xã hội và khoa học - công nghệ, Nghị quyết đề ra 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thứ nhất là phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại như phát triển du lịch, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, tìm hiểu văn hóa các nước, phê phán các tập tục, thói quen xấu làm ảnh hưởng hình ảnh của Việt Nam... Thứ hai là hỗ trợ phụ nữ trong các vấn đề gia đình - xã hội đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế như xây dựng văn hóa công sở, văn hóa ứng xử trên mạng, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức cuộc sống, sử dụng internet an toàn, hiệu quả.... Cuối cùng là động viên phụ nữ tham gia khoa học - công nghệ, đặc biệt là khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tham gia các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) hoặc STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học).

Trong lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế và phát triển bền vững như cơ hội và thách thức gắn với các hiệp định thương mại tự do, sản xuất, kinh doanh xanh, sạch, bền vững, chương trình OCOP... Đồng thời, phải quan tâm phát triển mạng lưới hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế, kết nối các nhà sản xuất, doanh nhân nữ dưới nhiều hình thức. Một nhóm nhiệm vụ, giải pháp nữa trong lĩnh vực này là đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt trong các ngành nghề mà phụ nữ có thế mạnh, ngành nghề có khả năng dịch chuyển trong ASEAN và ngành nghề mới. Đồng thời cần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số, tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ sử dụng internet an toàn trong các giao dịch thương mại và khuyến khích chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh...

Với lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cần tập trung nâng cao hiệu quả đóng góp của phụ nữ trong đảm bảo an ninh, an toàn tại địa phương, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Các cấp Hội cần tích cực tham gia phòng chống buôn bán ma túy, buôn lậu xuyên quốc gia, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, tích cực tố giác tội phạm và phối hợp hỗ trợ, giải cứu các nạn nhân; động viên chị em không di cư, kết hôn quốc tế qua các kênh bất hợp pháp... Ngoài ra, Hội cần tăng cường vai trò của phụ nữ trong khu vực và trên trường quốc tế như chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, tôn vinh, tăng cường sự tham gia hiệu quả của phụ nữ tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế...

Hội là đoàn thể đầu tiên ban hành Nghị quyết về hội nhập quốc tế cho hội viên của mình. Tuy nhiên, để Nghị quyết phát huy hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống đòi hỏi sự chủ động, tích cực và sáng tạo của các cấp Hội. Các cấp Hội cần tập trung phổ biến, tập huấn và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Căn cứ Kế hoạch do Trung ương Hội ban hành và điều kiện thực tế, Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị và các tổ chức thành viên chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết cụ thể theo từng giai đoạn; phát huy sáng kiến, tham vấn Trung ương về nội dung chuyên môn và cách thức tổ chức; định kỳ hàng năm tổ chức hoạt động nâng cao năng lực đối ngoại và hội nhập cho cán bộ Hội, trước mắt là cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy viên Ban Chấp hành không chuyên trách thuộc các sở, ngành, các tổ chức thành viên; chủ động ký kết liên tịch, hợp tác với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập.

Hội LHPN các tỉnh, thành phố lớn, có thế mạnh phát huy vai trò dẫn dắt, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập quốc tế, đảm bảo hiệu quả và sự lan toả tích cực. Hội LHPN các tỉnh giáp biên rà soát, nâng cao hiệu quả thực hiện các thỏa thuận, hoạt động hợp tác với tổ chức phụ nữ bên kia biên giới. Trong quá trình triển khai, các cấp Hội quan tâm rà soát, thí điểm, chia sẻ và nhân rộng mô hình hay về hội nhập quốc tế của phụ nữ như giao tiếp thân thiện với người nước ngoài, xuất khẩu tại chỗ, du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường, phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới... Chủ động, tích cực tham gia xây dựng văn hóa hội nhập trong xã hội, nâng cao nhận thức của người dân với tư cách công dân Việt Nam, đồng thời cũng là công dân ASEAN và hướng tới là công dân toàn cầu. Quan tâm đào tạo kỹ năng mềm và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, xây dựng tác phong làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Việc triển khai Nghị quyết được xác định là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của các cấp Hội trong thời gian tới nhằm đóng góp vào tiến trình hội nhập chung của đất nước. Để thực hiện thành công Nghị quyết đòi hỏi sự quyết tâm, chủ động, sáng tạo của các cấp Hội, đồng thời cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ. Như vậy, phụ nữ Việt Nam mới có thể đóng góp ngày càng chủ động, hiệu quả và đồng thời thụ hưởng xứng đáng từ tiến trình hội nhập quốc tế, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ban Quốc tế, TW Hội tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video