Gần hội viên, hiểu hội viên, giúp hội viên

10/03/2017
Đồng hành cùng hội viên vượt khó, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn gia đình hạnh phúc, bảo vệ quyền lợi thiết thân của chị em yếu thế… là những dấu ấn đậm nét của các cấp Hội 5 năm qua, khẳng định vai trò, uy tín của Hội đối với hội viên và cộng đồng.

Gỡ rối tơ lòng, hòa giải mâu thuẫn

Ra đời từ giữa năm 2012, “Tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp” (gọi tắt là “Tổ tư vấn cộng đồng”) do Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh thành lập là “ngôi nhà chung” của hàng nghìn chị em phụ nữ. Tổ đã hỗ trợ tư vấn cho phụ nữ nội trợ, người nhập cư, lao động tự do, công nhân nhà trọ, thanh niên sau cai nghiện… ở rất nhiều lĩnh vực. Từ khi hình thành đến nay, mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng” đã nhân rộng đến 100% khu phố, ấp với 2.031 tổ, thu hút hơn 15.000 thành viên tham gia, tư vấn cho hơn 17.000 trường hợp.

Mô hình “Đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình” tại Bến Tre cũng đã phát huy được vai trò, chức năng của tổ chức Hội và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn bạo lực gia đình. 18 đội được thành lập từ tháng 11/2014 được tập huấn những kỹ năng cơ bản trong xử lý các tình huống bạo lực gia đình, khung pháp lý, hệ thống xử lý vi phạm hành chính về vấn đề bạo lực gia đình. Các đội luôn sẵn sàng “trực chiến” 24/24 để phát hiện và kịp thời xử lý vụ việc bạo lực gia đình xảy ra. Đội phản ứng nhanh gồm các thành viên của Hội Phụ nữ, Công an nên việc giải quyết các sự việc  thực sự có hiệu quả khi kết hợp cả tuyên truyền giáo dục và xử phạt nghiêm minh. Từ khi đội được thành lập đã giải quyết 22 vụ, hòa giải 11 vụ, giảm số đơn gửi tới Hội Phụ nữ tỉnh từ 14 xuống còn 4 đơn (2015).

Chi, tổ phụ nữ tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt

Đây là mô hình được Hội LHPN TP. Hải Phòng thành lập từ năm 2014, nhằm cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết liên tịch số 01 về quản lý giáo dục con em không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội giữa TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an, đem lại lợi ích thiết thân đối với hội viên phụ nữ, gọi tắt là “Mô hình 3 tốt”. Các tiêu chí được các cấp Hội Phụ nữ TP đặt ra rõ ràng gồm: Tiết kiệm: vận động thành viên có lối sống thực hành tiết kiệm từ chính những hành vi cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày; Tương trợ: động viên chị em giúp nhau ngày công, con giống, giúp nhau kỹ năng, kinh nghiệm để gia đình được êm ấm, chia sẻ cho nhau cách huy động chồng con giúp đỡ mình làm công việc nhà; Nuôi dạy con tốt với hoạt động hỗ trợ cho các thành viên về kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con và phát triển kinh tế.

Sau 3 năm triển khai đã thu hút trên 65.000 hội viên tham gia 379 chim, tổ tại các Hội cơ sở, giúp đỡ cảm hóa 26 trẻ vi phạm pháp luật, 11 hộ có trẻ vị thành niên mắc tệ nạn xã hội được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trên 51.000 người tham gia tiết kiệm; 520/690 hộ nghèo được tương trợ, 615/652 hộ cận nghèo được hỗ trợ, 309/341 hộ không còn trẻ em suy dinh dưỡng.

“Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” là những nội dung chính trong hoạt động hỗ trợ chị em xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc. 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam đã triển khai tới từng gia đình hội viên bằng nhiều hình thức, qua đó giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, giảm bớt gánh nặng công việc gia đình, có nhiều thời gian tập trung cho phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội.

Điểm tựa của chị em dân tộc thiểu số

Là tỉnh có tới 87% đồng bào dân tộc thiểu số nên trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ kinh tế cho hội viên dân tộc thiểu số. Hội LHPN tỉnh triển khai cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” thu hút 31.126 chị tham gia, phối hợp với ngành Giáo dục mở 142 lớp xóa mù chữ cho 2.462 chị tham gia học tập.

Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, các cơ sở Hội duy trì và phát triển 52 CLB “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, thành lập 188 “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, triển khai 541 mô hình phát triển kinh tế như: Trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò tại các huyện vùng cao phía Bắc; nuôi lợn đen ở Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Quang Bình; nuôi o­ng lấy mật; trồng rau, hoa; trồng cây ăn quả, cam quýt, thanh long, đậu tương, chè...; làm nghề truyền thống như may, dệt thổ cẩm.

Không để phụ nữ nghèo thiếu vốn, 5 năm qua, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã khai thác trên 616 tỷ đồng từ các ngân hàng để giúp hơn 26.000 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở 5.370 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 20.000 lao động tại địa phương.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video