Góp phần khôi phục nghề truyền thống

07/01/2006
Dệt thảm xơ dừa là một nghề từng khá phát triển ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn). Những năm 90 của thế kỷ trước do bị mất thị trường Đông Âu, nghề này gần chỉ còn một số cơ sở sản xuất cá thể, sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa.

Năm 2000, mặt hàng này đã thâm nhập được thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do dệt thảm bằng thủ công nên cám của vỏ dừa còn bám trên mặt thảm quá nhiều, dẫn đến chất lượng thảm chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa phía đối tác đã đặt hàng cước xơ dừa để sử dụng làm nệm, tường cách âm… Như vậy muốn cước xơ dừa có thị trường tiêu thụ ổn định, yêu cầu đặt ra là phải có thiết bị làm sạch cám cho cước. Nhận thấy đây là cơ hội để khôi phục và phát triển được nghề truyền thống; giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, ông Lê Xuân Bá - ở xã Tam Quan Nam đã mạnh dạn lập dự án xin vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm để đầu tư thiết bị sản xuất cước xơ dừa. Tháng 12-2004, ông đã được NHCSXH huyện Hoài Nhơn giải ngân cho vay 80 triệu đồng để mua thiết bị, thành lập cơ sở sản xuất cước xơ dừa.

Bình quân một tháng cơ sở của ông đưa vào sản xuất 105.000 vỏ quả dừa, cho ra 15 tấn cước xơ, giá bán mỗi tấn sản phẩm là 2,8 triệu. Cơ sở của ông Bá đã thu hút và giải quyết việc làm cho 20 lao động, trong đó có 10 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân của số lao động thường xuyên là 500.000 - 600.000 đồng/người/tháng; còn lao động thời vụ 30.000 đồng/người/ngày.

Cước xơ dừa do cơ sở của ông Bá sản xuất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của phía nhập khẩu. Tuy nhiên phế liệu cám xơ dừa thải ra quá nhiều, về lâu dài sẽ ảnh hưởng môi trường sản xuất, đã đem đến cho ông Bá một ý tưởng mới là sản xuất phân vi sinh từ cám xơ dừa phục vụ trồng trọt.

Về cước xơ dừa, do không trực tiếp tiêu thụ mà phải qua trung gian (tư thương) đưa đến cửa khẩu Lào Cai, nên ông Bá không thể biết được thông tin về giá cả. Mong muốn của ông là được tạo điều kiện xuất khẩu trực tiếp những sản phẩm từ nghề truyền thống, để tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời ông cũng mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ để có thể phát triển sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nhằm giải quyết việc làm cho nhiều lao động; góp phần giảm nghèo có hiệu quả trên địa bàn xã.

Nguyễn Thị Minh Huệ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video