Hà Giang: Cô giáo cắm bản hết lòng vì học sinh

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và cũng là huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nơi đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn trăm bề. Nhưng bằng tình yêu thương học trò, các thầy cô giáo cắm bản của xã Cán Chu Phìn, trong đó có cô Lý Thị Viên đã lan tỏa tình yêu thương của mình tới các học trò dân tộc thiểu số bằng những việc làm cụ thể hàng ngày với một ước mơ giản dị là làm sao các em có thêm cái chữ để sau này tương lai tươi sáng hơn.
Cô Viên cho biết: “Từ thị trấn Mèo Vạc để đến với điểm trường Sán Sì Lủng của xã Cán Chu Phìn phải vượt qua những dãy núi tai mèo hiểm trở, điều kiện sống khó khăn… nhưng bằng tình thương yêu học sinh, chúng tôi sẵn sàng vượt qua những khó khăn. Lớp tôi hiện có 33 em thuộc khối 5 tuổi, phần lớn các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại ở xa điểm trường nên tôi vừa là cô giáo dạy học vừa là người mẹ chăm sóc các em”.
Các em học sinh của trường chủ yếu là dân tộc Mông, đồng bào nơi đây trình độ dân trí thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn kèm theo các phong tục tập quán lạc hậu. Mỗi buổi sáng có em được bố mẹ đưa đến trường nhưng cũng có em do bố mẹ phải đi làm nương xa nên tự túc đi bộ vài km tới trường. Vài năm gần đây con đường tới trường đã được bê tông hóa nên các em đến trường cũng thuận lợi hơn.
Cô Viên chia sẻ thêm: “Khi đến lớp nhìn những em học sinh người nhỏ bé, mặt mũi còn lấm đất, các em còn thiếu thốn từ manh áo đến đối dép làm tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình. Có lẽ do sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Mèo Vạc này nên tôi càng hiểu và thương các em hơn. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để chăm lo dạy dỗ và truyền đạt kiến thức cho em”.
Ông Hoàng Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn cho biết, xã Cán Chu Phìn có 12 thôn, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông. Công việc chủ yếu của bà con là làm nương rãy nên không có thời gian để quam tâm đến con em mình. Các em tới trường học chữ được các thày cô chăm lo đầy đủ về cuộc sống và tinh thần đã giúp các bậc phụ huynh yên tâm và tin tưởng hơn. Trong các giáo viên cắm bản, cô giáo Lý Thị Viên là một trong các điển hình nổi bật của “cô giáo như mẹ hiền”. Sự gần gũi, tận tình trong giảng dạy và chăm lo trong cuộc sống đối với học sinh đã đưa cô giáo Lý Thị Viên trở thành người mẹ thứ hai đối với các em học sinh.
Từ những thành tích của mình, cô giáo Lý Thị Viên đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen trong những năm qua.