Hải Dương: Cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở địa phương
Đoàn giám sát tập trung nắm tình hình việc triển khai, chỉ đạo thực hiện Luật Bình đẳng giới; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bình đẳng giới; việc thực hiện trách nhiệm của UBND huyện trong thực hiện và bảo đảm Bình đẳng giới theo quy định tại điều 28 - Luật Bình đẳng giới; việc lồng ghép vấn đề Bình đẳng giới tại địa phương trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động - việc làm, đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; vấn đề y tế, giáo dục và đào tạo, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, …
Kết quả, thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được tổ chức và triển khai đồng bộ, hiệu quả ở cả 3 huyện. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện, cơ sở đã phát huy vai trò chủ động tham mưu giúp UBND các cấp xây dựng kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ gắn với việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về Bình đẳng giới về cơ bản đã đảm bảo kế hoạch đề ra; cụ thể ở lĩnh vực chính trị, lao động-việc làm, xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực y tế, giáo dục... Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vấn đề Bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt; bình đẳng giới trong gia đình được quan tâm; phụ nữ đang ngày càng giữ những vị trí quan trọng trong các ngành, lĩnh vực của xã hội làm giảm dần sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Đồng chí Vũ Trí Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội phát biểu tại Hội nghị UBND huyện Gia Lộc
Bên cạnh đó, qua giám sát cũng phát hiện một số vấn đề như: công tác triển khai thực hiện pháp luật về bình đẳng giới có nơi chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, lãnh đạo quản lý ở cấp cơ sở còn thấp; một số địa phương khi xây dựng các chương trình, đề án, các nhiệm vụ phát triển kinh tế chưa quan tâm lồng ghép giới. Kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép bình đẳng giới của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác bình đẳng giới nói riêng còn hạn chế…
Đoàn giám sát đề nghị địa phương cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới như: coi bình đẳng giới là mục tiêu của phát triển bền vững, là căn cứ đánh giá sự phát triển, văn minh của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, đưa công tác quy hoạch cán bộ nữ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc quy hoạch phải đi đôi với công tác bổ nhiệm; có các biện pháp thích hợp làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo và làm việc ở khu vực có thu nhập cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Bình đẳng giới…