Hòa Bình: Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong phối hợp quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

16/01/2025
Nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và ý nghĩa xã hội, tính nhân văn của hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn các chương trình tín dụng chính sách, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Tập huấn công tác quản lý các nguồn vốn vay

Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng CSXH các cấp và các tổ chức chính trị xã hội, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đưa nội dung quản lý hoạt động ủy thác vào nội dung tiêu chí thi đua hàng năm, chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua nhiều hình thức, giúp hội viên, phụ nữ và người dân hiểu rõ hơn về các chính sách tín dụng xã hội để sử dụng vốn có hiệu quả. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; tham gia họp giao ban định kỳ với Ngân hàng CSXH và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động ủy thác hàng năm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở, đề ra các giải pháp hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương.

Ngay từ đầu năm, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở Hội, Tổ TK&VV. Phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) về công tác quản lý các nguồn vốn vay; tuyên truyền sâu rộng về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Hàng năm, tổ chức các đợt kiểm tra về cơ sở, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, sai sót để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban quản lý tổ TK&VV và đôn đốc, vận động khách hàng sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.

Đến tháng 11/2024, Hội LHPN tỉnh thực hiện được 18 chương trình tín dụng, quản lý nguồn vốn ủy thác lớn nhất trong các Hội, đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh. Với tổng dư nợ 1.413.550 triệu đồng, 659 tổ TK&VV; 27.033 hộ vay đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiếp cận tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Là đơn vị có nợ quá hạn thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 0,04%, lãi tồn đọng 867 triệu đồng, 27.146 hộ tham gia gửi tiết kiệm được 139.943 triệu đồng. Qua đó đã chứng tỏ hiệu quả trong công tác quản lý nguồn vốn ủy thác của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp Hội còn khảo sát, nắm số lượng phụ nữ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có giải pháp hướng dẫn giúp đỡ các hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đảm bảo “Không có đối tượng đủ điều kiện, không được tiếp cận nguồn vốn; không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tính riêng năm 2024, các cấp Hội giúp 1.566 hộ có phụ nữ thoát nghèo/cận nghèo (trong đó số hộ có phụ nữ được Hội giúp thoát nghèo là 913 hộ; số hộ có phụ nữ được Hội giúp thoát cận nghèo là 653 hộ), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên thời gian qua, công tác quản lý nguồn vốn ủy thác trong hệ thống Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định do ảnh hưởng tình hình thiên tai, dịch bệnh, rủi ro trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đi làm ăn xa… dẫn đến hiện nay một số đơn vị vẫn còn nợ quá hạn, lãi tồn; sinh hoạt Tổ TK&VV có nơi còn hình thức, đơn điệu, chủ yếu tập trung đôn đốc việc trả nợ và thực hiện thu lãi, việc hướng dẫn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát lẫn nhau giữa các tổ viên còn hạn chế, chưa thường xuyên... Trong thời gian tới các cấp Hội tiếp tục phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, có những giải pháp phù hợp để tiếp tục thực hiện tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay NHCSXH.

Hiệu quả từ nguồn vốn ủy thác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên và chất lượng sinh hoạt chi, tổ, hội viên, phụ nữ đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng giúp nhau ổn định kinh tế, đời sống, vươn lên làm giàu chính đang, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 

Đinh Thùy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video