Hoài Nhơn: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

07/01/2006
Trong năm 2005, chuyển biến tích cực của ngành thủy sản Hoài Nhơn có thể nhìn thấy ở nhiều mặt, từ nuôi trồng đến đánh bắt, khai thác, cũng như thực hiện các chương trình, dự án thủy sản trên địa bàn. Mô hình tổ đoàn kết trong khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn huyện Hoài Nhơn trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng thể, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, Hoài Nhơn đang triển khai tiếp những giải pháp cụ thể, nhằm đưa ngành kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn.

* Hiệu quả bước đầu

Ông Trần Ngọc Anh - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Nhơn - cho biết: "Ngoài phát triển về phương tiện, tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở Hoài Nhơn phần lớn được trang bị máy mới, đầy đủ các thiết bị hàng hải, phục vụ tốt cho hoạt động khai thác trên biển. Nhờ đó, trung bình mỗi năm toàn huyện có thể khai thác hơn 25.000 tấn hải sản, với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ đại dương, cá thu, mực. Đặc biệt, trong năm 2005, ngư dân Hoài Nhơn đã trúng mùa cá ngừ đại dương, sản lượng đạt 3.100 tấn, tăng 940 tấn so với năm 2004, về giá bán cũng cao hơn".

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp nhiễm mặn sang nuôi tôm cũng mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2002, huyện đã quyết định triển khai dự án chuyển đổi 55,8 ha đất nông nghiệp nhiễm mặn ở thôn Công Lương (Hoài Mỹ) sang nuôi tôm. Dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1, chuyển đổi 28,12 ha đất nhiễm mặn thành 22,8 ha mặt nước nuôi tôm thâm canh vào cuối năm 2003. Hầu hết 43 ao nuôi ở đây đều đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây.

Mô hình nuôi tôm cộng đồng cũng đã đem lại hiệu quả tích cực. Nhờ thực hiện tốt mô hình này mà các hộ nuôi tôm ở Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc mấy năm gần đây liên tục được mùa, năng suất tôm nuôi bình quân đạt hơn 2 tấn/ha. Năm 2005, toàn huyện có đến hơn 230 ha mặt nước nuôi tôm, năng suất bình quân đạt 1.710 kg/ha, tăng 240 kg/ha so với năm 2004.

Ngoài nuôi trồng, đánh bắt, đầu ra thủy sản ở Hoài Nhơn cũng khá thông thoáng, bởi Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn đã đảm nhận tốt trách nhiệm "bà đỡ" cho nghề cá huyện nhà. Đến nay, công ty đã phát triển quy mô sản xuất kinh doanh lên gấp 3 lần so với năm 2000, với nhiều ngành nghề từ thu mua, chế biến thủy sản, đến hoạt động đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá…


Hoạt động chế biến nước mắm ở Hoài Nhơn cũng phát triển mạnh, với 4 cơ sở sản xuất có quy mô lớn và gần 50 hộ sản xuất nhỏ, tổng sản lượng chế biến mỗi năm là 2,3 triệu lít, đạt giá trị 11,5 tỉ đồng, tăng bình quân 18%/năm… Ngoài ra, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu, ngư lưới cụ, thu mua hải sản… cũng đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động ở các địa phương ven biển.

* Một số hạn chế

Tuy nhiên, hiện nay thủy sản Hoài Nhơn vẫn còn một số hạn chế nhất định. Nguyên nhân chính là do hậu cần nghề cá chưa theo kịp. Cảng cá Tam Quan tuy có đầu tư nạo vét, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 70-80% số lượng tàu thuyền của địa phương ra vào neo đậu, sửa chữa, bán sản phẩm… Đó là chưa nói đến lực lượng tàu thuyền của các địa phương khác cũng thường xuyên ra vào nơi đây.

Công tác thu mua sản phẩm cho ngư dân cũng chưa được quan tâm đúng mức. Toàn huyện có 13 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương, nhưng hầu hết là trạm trung chuyển, trang bị rất thô sơ, không đảm bảo 2 yếu tố: thủ tục đăng ký kinh doanh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở thường áp dụng phương thức mua "sô", làm chongư dân không chú ý đến việc bảo quản chất lượng cá sau khai thác, chỉ lo đánh bắt cho được số lượng nhiều. Ngoài ra, các "đầu nậu" này cũng thường câu kết với nhau để điều tiết giá cả, nhằm o ép ngư dân. Bởi vậy, giá cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn các năm qua luôn thấp hơn các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, ít nhất từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Ngoài ra, phần lớn sản phẩm tôm nuôi trên địa bàn huyện cũng không được các đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh đứng ra thu mua, chủ yếu qua các đầu nậu, nên đã xảy ra tình trạng ép giá, ép cấp, gây tâm lý lo ngại về đầu ra đối với người nuôi tôm. Thêm vào đó, các dịch vụ cung ứng giống, vật tư nuôi tôm chưa được chặt chẽ…

* Tiếp tục đầu tư hạ tầng

Toàn huyện Hoài Nhơn hiện có đến 1.900 tàu thuyền khai thác hải sản, tổng công suất hơn 100.000 CV. Trong đó, tàu tham gia khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ chiếm trên 70%, tăng 3,7% so với năm 2004; tàu tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương hơn 400 chiếc, tăng 70 chiếc so với năm 2004. Năm 2005, toàn huyện đã khai thác được 26.530 tấn, tăng gần 2.000 tấn so với năm 2004; trong đó có 3.100 tấn cá ngừ đại dương, tăng 940 tấn so với năm 2004. Mục tiêu của huyện trong giai đoạn 2006-2010 là nâng mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản từ 7-10%/năm.

 

Ông Nguyễn Chí Xô - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - cho biết: Hiện nay, huyện đang chú trọng việc khắc phục những hạn chế nêu trên. Một trong những dự án lớn được đầu tư trên địa bàn huyện là khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cảng cá Tam Quan, giai đoạn 1 của công trình với số vốn đầu tư 11 tỉ đồng nạo vét luồng chạy tàu đã hoàn thành, giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng. Huyện cũng đang tiến hành quy hoạch khu chế biến thủy sản tập trung tại xã Tam Quan Bắc, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các cơ sở chế biến nước mắm, hải sản trên địa bàn huyện.

Dự án xây dựng chợ Tam Quan Bắc thành chợ đầu mối hải sản, khởi đầu cho hình thức thị trường nguyên liệu chính thức, tránh trình trạng tranh mua, tranh bán như trong thời gian qua cũng đang được xúc tiến. Công tác quy hoạch chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn sang nuôi tôm cũng đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường công tác quản lý về điều kiện kinh doanh mặt hàng thú y thủy sản, công tác thu mua hải sản… nhằm hạn chế trở ngại cho ngư dân.

Với những giải pháp tích cực và đồng bộ này, sẽ giúp ngành thủy sản Hoài Nhơn phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian đến.

Ngọc Thái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video