Hội LHPN tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt công tác giám sát, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

05/12/2024
Xác định giám sát là nhiệm vụ quan trọng giúp các cấp Hội phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ. Năm 2024, Hội LHPN tỉnh đăng ký nội dung giám sát với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tổ chức giám sát Việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động nữ, công tác chăm lo trẻ em là con công nhân viên chức lao động.
Đồng chí Hà Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chủ trì buổi giám sát

Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh & Xã hội, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh. Đoàn đã thực hiện giám sát tại 02 đơn vị UBND thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Thủy; thăm thực tế tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) và Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Thanh Hà Hòa Bình (huyện Lạc Thủy).

Theo báo cáo của các đơn vị, thành phố Hòa Bình hiện nay có 3 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, có 1.144 doanh nghiệp (trong đó khoảng 100 đơn vị có nữ là chủ doanh nghiệp) đang hoạt động và sản xuất kinh doanh, 7.981 hộ kinh doanh (khoảng 70% nữ là chủ hộ kinh doanh), giải quyết việc làm cho khoảng 36.000 lao động (trong đó có khoảng 51% lao động nữ) thu nhập bình quân của lao động là 5,5 triệu đồng. Có 44 doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở với 2.626 đoàn viên, trong đó có 10 nữ là chủ doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách lao động nữ tại địa phương được các đại biểu đề cập như: cán bộ Công đoàn cơ sở đều làm công tác kiêm nhiệm nên việc tuyên truyền và triển khai các quy định về chính sách cho lao động nữ còn lúng túng; chủ sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn và nữ công hoạt động. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, trong đó có người lao động là nữ. Kỹ năng tổ chức đối thoại của một số cán bộ công đoàn chưa tốt, nắm bắt pháp luật lao động chưa sâu dẫn đến chất lượng các cuộc đối thoại, thương lượng hiệu quả chưa cao.

Để triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với lao động nữ, các đơn vị được giám sát đề nghị thường xuyên quan tâm, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ năng lực công tác, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động thương binh và xã hội cấp huyện, xã và tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật lao động nữ; công tác trẻ em; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao công tác thực hiện chính sách, pháp luật và một số chính sách đặc thù của đơn vị dành cho lao động nữ. Đồng thời nêu lên một số vấn đề về chế độ cho lao động nữ nuôi con nhỏ, nhà trẻ cho con em công nhân, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, công tác tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc... cần chú trọng thực hiện. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với lao động nữ; chế độ cho lao động nữ nuôi con nhỏ, nhà trẻ cho con công nhân, công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ…

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Thủy khẳng định sẽ dành sự quan tâm đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động nữ và đề nghị các phòng, ban liên quan tiếp tục khắc phục khó khăn, bám sát tình hình thực tế các vấn đề về lao động nữ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngô Thu Thủy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video