Hội LHPN tỉnh Nam Định: Nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh với các mô hình kinh tế tại gia

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam năm 2022-2023 về “Nâng cao chất lượng cuộc sống và trao quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe”.
200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo địa phương; Hội LHPN 10 huyện/TP; đại diện Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh (2018-2022) và phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh đã tham gia chương trình tập huấn.
Lớp tập huấn đã được Thạc sỹ Nguyễn Đông Triều - Chuyên gia tư vấn Khởi nghiệp, Giảng viên Khoa Marketing trường đại học Tài Chính Marketing thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp truyền đạt những kiến thức về: (1) Cách tìm ý tưởng kinh doanh và 5 loại hình kinh doanh; (2) Các bước bắt đầu kinh doanh; (3) Tính giá bán và Lợi nhuận; (4) Cách thức định giá tăng lợi nhuận và dùng nhật ký Thu - Chi; (5) Cách quảng bá thành công cho cửa tiệm; (6) Ứng dụng phần mềm Canva cho thiết kế bảng hiệu, thực đơn; Hướng dẫn mẫu Bài thi “Phụ nữ tự tin làm kinh tế”.
Đây là cơ hội truyền cảm hứng cho phụ nữ tự tin làm kinh tế và đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi sự kinh doanh với các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tại gia. Qua đó, sẽ thúc đẩy tiềm năng của phụ nữ Nam Định chủ động nắm bắt cơ hội, làm chủ bản thân, tự tin làm kinh tế trong thời gian tới.
Chương trình tập huấn cũng đưa ra những gợi ý về những mô hình kinh doanh phổ biến, dễ thực hiện, thiết thực, phù hợp với phụ nữ để bắt đầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thực sự trở thành phong trào rộng rãi trong các cấp Hội và các tầng lớp hội viên phụ nữ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tiếp cận nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của địa phương và của tỉnh; Thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.