Hội LHPN tỉnh Nam Định tổng kết 5 năm hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (2003-2008)

22/07/2008
Vừa qua, Hội LHPN Nam Định đã tổ chức tổng kết 5 năm hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (2003-2007. 5 năm là quãng thời gian không dài nhưng những kết quả đạt được đã mang lại một diện mạo mới cho cuộc sống của nhiều phụ nữ nghèo.

Tỉnh Nam Định có gần 600.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó số phụ nữ đi làm ăn xa là 52.800, phụ nữ thường xuyên ở địa phương là 547.200 người. Qua khảo sát, số phụ nữ nghèo hiện nay là 41.300, hộ nghèo do PN là chủ hộ có 16.483 /43.108 hộ nghèo của tỉnh (38%).

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách tín dụng đối với người nghèo, ngay sau khi TW Hội LHPN Việt Nam triển khai Nghị quyết liên tịch về hoạt động uỷ thác cho vay, Hội LHPN Nam Định đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh. Và trong suốt quá trình triển khai, các cấp Hội đã tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của một số ngành liên quan thực hiện uỷ thác vốn vay hiệu quả. Các văn bản thoả thuận cũng đã được đăng tải trên thông tin của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội LHPN Nam Định đã chủ động phối hợp với Ngân hàng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho vay hộ nghèo, quy chế thành lập, phương pháp quản lý Tổ TK-VV cho cán bộ Hội LHPN từ cấp xã trở lên. Hội LHPN các huyện cùng với phòng giao dịch tập huấn nghiệp vụ cho 100% các tổ trưởng vay vốn đang hoạt động; Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn về kỹ thuật khuyến nông, khuyến công, định hướng phát triển kinh tế của địa phương, để đầu tư vốn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế của từng gia đình.

Hàng năm Hội đều phối hợp tổ chức kiểm tra đối chiếu nợ, phân loại nợ để có biện pháp chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng; Tổ chức họp giao ban với các huyện, sơ tổng kết hàng năm đánh giá việc thực hiện các văn bản liên tịch, đồng thời rà soát điều chính nội dung uỷ thác cho phù hợp với thực tế.

Với những biện pháp tích cực, chủ động, cụ thể, sau 5 năm Hội LHPN Nam Định đã thực hiện chương trình uỷ thác tại hầu hết các xã, phường, thị trấn (217/229). Cùng với thời gian, sự phối hợp đã đi vào nề nếp và ngày càng chặt chẽ. Chương trình uỷ thác với Ngân hàng CSXH được đánh giá là phù hợp nguyện vọng các tầng lớp phụ nữ, đã tránh được tệ cho vay nặng lãi, được các tầng lớp phụ nữ đánh giá cao và hưởng ứng tích cực.

Chính vì vậy số dư thông qua tổ chức Hội LHPN tăng hàng năm, nợ quá hạn giảm, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Báo cáo cho thấy, tổng dư nợ đến cuối tháng 5/2008 của Hội đạt 276 tỷ 688 triệu đồng cho 55.056 hộ vay, tăng 271,231 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (tháng12/2003). Trong đó, đơn vị có số dư nợ cao nhất là huyện Ý Yên (trên 43 tỷ đồng), tiếp đến là Nghĩa Hưng với 41,5 tỷ đồng, Hải Hậu 34,8 tỷ và Trực Ninh là 32,8 tỷ. Mức vay bình quân/hộ tăng từ 2,6 triệu đồng năm 2003 lên 4,9 triệu đồng năm 2008 (vốn hộ nghèo).

Cùmg với việc mở rộng phạm vi uỷ thác, hàng năm số tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương đều tăng. Từ 46 tổ (tháng 12/2003), đến nay, số tổ vay vốn do Hội LHPN làm chủ dự án là 1.659 tổ (tháng 5/2008). Trong đó, tăng cao ở huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Trực Ninh…

Để củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn, Hội LHPN tỉnh đã phát động thi đua, đưa nội dung hoạt động uỷ thác với NH CSXH là một tiêu chí thi đua hàng năm, xây dựng hội viên nòng cốt trong phong trào xây dựng tổ TK-VV thực hiện mục tiêu giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ là chủ hộ nghèo không có nợ quá hạn và thoát nghèo.

Kết quả thực hiện chương trình uỷ thác thông qua Hội PN đã tạo điều kiện cho các cấp Hội thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đồng thời, các cấp Hội Nam Định cũng đã tích cực lồng ghép các hoạt động một cách có hiệu quả, vận dụng và kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác như: vay vốn để tạo nguồn nước sạch và có điều kiện xây mới, cải tạo công trình vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ phụ nữ và cộng đồng, thực hiện dạy nghề tạo việc làm, có thu nhập ổn định... nâng số phụ nữ được thoát nghèo là 13.934

Đặc biệt, qua 5 năm triển khai việc nhận uỷ thác cho phụ nữ nghèo đã thu hút hội viên đến với Hội ngày một đông hơn, tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên toàn tỉnh hiện nay là 74,5, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Tại Hội nghị tổng kết, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nam Định đã tặng Giấy khen cho 19 đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động uỷ thác với Ngân hàng CSXH 5 năm qua./.

Minh Hà
Ban GĐXH -Hội LHPN Nam Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video