Hội LHPN tỉnh Phú Yên chú trọng trang bị kiến thức cho phụ nữ để phòng ngừa mua bán người
Xác định phụ nữ là đối tượng dễ bị các tội phạm mua bán người lợi dụng, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi bởi sự nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt, tội phạm khai thác tình trạng dễ bị tổn thương, khó khăn, tuyệt vọng cũng như niềm tin của một số chị em để lợi dụng; lợi dung tính chất không biên giới của công nghệ thông tin để tìm kiếm, bóc lột nạn nhân và thu lợi bất chính không có điểm dừng, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã chủ động triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa; tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu, rộng trong hội viên phụ nữ về pháp luật và những kiến thức cơ bản về phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ
Hội LHPN tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trong hệ thống Hội, gắn với triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Phú Yên nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Đề án 938 “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”. Chỉ đạo các cấp Hội đưa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ hàng đầu, trong đó chú trọng tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông phù hợp với từng đối tượng, vùng miền.
Hàng năm, Hội LHPN thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, Ngày pháp luật Việt Nam. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 24 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người cho 1.680 hội viên phụ nữ; tổ chức 04 Hội thi “Kỹ năng tuyên truyền pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội”. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn và 04 Hội nghị truyền thông phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người trên không gian mạng, tội phạm xâm hại trẻ em cho 510 cán bộ, hội viên phụ nữ. Phối hợp Câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ pháp luật của phụ nữ tỉnh tổ chức 8 hội nghị tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho 640 hội viên, phụ nữ về kiến thức pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người. Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 100 cán bộ Hội LHPN các cấp về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, mua bán phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, tổ chức trên 150 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho 7.500 phụ nữ về thực trang mua bán người hiện nay, nhận biết nguyên nhân, phương thức, thủ đoạn hoạt động cũng như cách phòng ngừa để hội viên, phụ nữ và người dân không rơi vào tình cảnh bị các đối tượng mua bán người lừa gạt, dụ dỗ.
Nhiều mô hình an toàn cho phụ nữ, trẻ em
Nhiều mô hình an toàn cho phụ nữ trẻ em phòng ngừa và ứng phó với các loại tội phạm, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về phòng, chống mua bán người được thành lập thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, qua đó đã có trên 300 hội viên ký cam kết thực hiện các qui định của pháp luật. Thông qua, các mô hình, Hội LHPN đã thường xuyên trang bị cho các thành viên về kiến thức chung về mua bán người; các nguyên tắc hỗ trợ người bị mua bán; cách tiếp cận, tham vấn, hỗ trợ người bị mua bán tại cộng đồng; quyền của phụ nữ, trẻ em bị mua bán; các kỹ năng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tham gia các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế. Nhờ vậy, các thành viên đủ kiến thức để trở thành các tuyên truyền viên tại địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, hội phụ nữ các cấp triển khai hiệu quả nội dung Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025. Thông qua dự án đã hỗ trợ triển khai các mô hình, hoạt động đặc thù, phù hợp với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có truyền thông về phòng, chống mua bán người, vận động hội viên tích cực tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng… Cụ thể, các cấp hội đã thành lập và duy trì 70 tổ truyền thông cộng đồng; 15 câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi”; 11 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”...
Song song với công tác tuyên truyền, Hội còn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, hoạt động trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng các biện pháp như hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, thành lập các mô hình tổ liên kết, hợp tác xã, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giúp nhiều hội viên phụ nữ yên tâm làm ăn “an cư lạc nghiệp” ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết, thời gian tới, Hội tập trung tăng cường tham mưu cho cấp ủy, tích cực trong phối hợp với chính quyền chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; Xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng đặc biệt quan tâm đến nhóm phụ nữ có nguy cơ cao như phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ làm trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà hàng, quán karaoke...; thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang xây dựng các công trình trọng điểm, thu hút nhiều lực lượng lao động, có dấu hiệu phát sinh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nên Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn xã hội, mua bán người gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng mua bán người trên địa bàn.