Hội LHPN Việt Nam đề xuất 4 nội dung lồng ghép về bình đẳng giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Để có căn cứ trong việc đưa ra ý kiến lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại địa phương, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cấp Trung ương; đồng thời tiến hành lấy phiếu khảo sát ý kiến (theo hình thức trực tuyến) trên phạm vi toàn quốc với những người từ 18 tuổi trở lên. Nội dung khảo sát liên quan đến một số vấn đề trong dự thảo Luật là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; Chủ thể được hưởng bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; Nhóm đối tượng đặc thù khi Nhà nước thu hồi đất. Kết quả cho thấy, có 37.325 lượt tham gia ý kiến khảo sát với 82% là nữ giới, 18% là nam giới.
Căn cứ kết quả khảo sát và ý kiến tham vấn tại các hội thảo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề xuất lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với 4 nội dung sau:
Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề được quan tâm đầu tiên tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đây là 1 trong 5 tồn tại và là 1 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đã được nêu ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nội dung này đã được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể tại Chương V (Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) gồm 17 Điều từ Điều 60 đến Điều 76.
Điều 68 Dự thảo Luật quy định cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, Ủy ban MTTQ Việt Nam thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất; đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, điểm dân cư, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn.
Kết quả khảo sát về việc lấy ý kiến 2 tổ chức là Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu, Hội LHPN Việt Nam đề xuất:
- Bổ sung quy định về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có ý kiến của Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam cấp Trung ương, tỉnh, huyện. Đây là 2 tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho tiếng nói của phụ nữ, của nông dân - hai chủ thể rất quan trọng liên quan đến sử dụng đất. Khảo sát ý kiến về nội dung này, trên 90% ý kiến cho rằng, cần thiết bổ sung quy định lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Hội Nông dân Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam.
Kết quả khảo sát về việc cần quy định tỷ lệ các giới tham gia hội nghị lấy ý kiến
- Bảo đảm sự tham gia của phụ nữ và nam giới trong các hội nghị lấy ý kiến trực tiếp, ít nhất đại diện khoảng 30% - 40% của mỗi giới. Khảo sát mức độ cần thiết trong việc quy định tỷ lệ đại diện của mỗi giới để đảm bảo sự tham gia của phụ nữ và nam giới trong các hội nghị lấy ý kiến trực tiếp liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thấy, tỷ lệ ý kiến khẳng định có cần thiết là 84,5%; không cần thiết là 15,5%.
- Đối với địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số thì phải bảo đảm tỷ lệ tương ứng người dân tộc thiểu số tham dự. Tỷ lệ ý kiến cho rằng cần thiết trong việc quy định tỷ lệ tương ứng đảm bảo sự tham gia của người dân tộc thiểu số tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số là 86,6%, không cần thiết là 13,4%.
Kết quả khảo sát về bảo đảm tỷ lệ tương ứng người dân tộc thiểu số khi lấy ý kiến ở địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số
Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất
Theo Luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng đã đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất mà mới có tên người chồng vẫn còn nhiều. Theo Báo cáo số 89/BC-BTNMT ngày 03/8/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lồng ghép giới trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cả nước còn khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận chỉ đứng tên 1 người (chủ yếu đứng tên người chồng).
Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế trong triển khai thủ tục cấp đổi, người dân không nắm rõ các quy định của pháp luật để có yêu cầu cấp đổi… và từ chính quy định cơ quan chức năng chỉ cấp đổi giấy chứng nhận ghi tên cả vợ và chồng nếu có yêu cầu (khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013). Quy định này được giữ nguyên tại khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc không có cơ chế bắt buộc phải đổi Giấy chứng nhận nếu chỉ ghi tên 1 người mà quyền sử dụng đất đó thuộc về cả vợ và chồng dẫn đến tình trạng nhiều Giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng.
Kết quả khảo sát về sự cần thiết trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất có tên vợ, chồng
Kết quả khảo sát về sự cần thiết sửa nội dung khoản 4 điều 143 dự thảo Luật phải ghi tên cả vợ và chồng trong giấy chứng nhận, cho thấy: 93,5% ý kiến "có cần thiết", chỉ 6,5% là "không cần thiết".
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu, Hội LHPN Việt Nam đề xuất sửa quy định khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật như sau: "Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì thực hiện thủ tục cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người".
"Người sử dụng đất" - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi
Thực tế cho thấy, một số trường hợp thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân là do nhiều trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ, tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất "có quyền sử dụng đất chung" trong hộ gia đình của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi kết hôn, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người "có quyền sử dụng đất chung" với gia đình nhà chồng. Mặc dù trên thực tế họ có thể là người sử dụng đất chính. Ví dụ: bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt… trên diện tích đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình bằng việc mở cửa hàng, bán tại nhà đất mà bố, mẹ chồng và chồng có quyền sử dụng…
Vì vậy, quy định: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" tại khoản 2 Điều 89 dự thảo Luật tuy đúng nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới. Theo nội dung này, chủ thể được bồi thường chỉ là "người có đất bị thu hồi" mà chưa đề cập đến "người trực tiếp sử dụng đất" bị thu hồi. Những người này bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất.
Khảo sát cho thấy, 94% ý kiến đồng tình với việc cần mở rộng đối tượng được đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất đối với cả "người trực tiếp sử dụng đất", chỉ 6% không đồng tình.
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu, Hội LHPN Việt Nam đề xuất mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất. Có thể gọi họ là "người sống cùng với người có đất bị thu hồi". Để tránh cụm từ "người sống cùng với người có đất bị thu hồi" được hiểu khác nhau, cụm từ này được cần được giải thích trong dự thảo Luật. Theo đó, để xác định được "người sống cùng với người có đất bị thu hồi" được hưởng đền bù, hỗ trợ, cần ít nhất 3 điều kiện: (1) Con dâu hoặc con rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi (2) Trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi (3) Thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất trong một số năm nhất định.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Sơn La tổ chức.
Đảm bảo bình đẳng giới và quan tâm đến các nhóm đối tượng đặc thù khi thu hồi đất
Hiện nay, điểm d khoản 2 Điều 104 Dự thảo đã bổ sung quy định về hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng là trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi khi Nhà nước thu hồi đất. Khoản 1 và 2 Điều 105 mới chỉ chú trọng đến nhóm người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường. Theo đó, ngoài việc được bồi thường bằng tiền, họ còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiểm việc làm mới đối với nhóm "trong độ tuổi lao động".
Qua nghiên cứu, Hội LHPN Việt Nam đề xuất:
- Bổ sung quy định những người bị thu hồi đất nông nghiệp căn cứ theo độ tuổi, giới tính khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hưởng trợ cấp từ quỹ thất nghiệp, quỹ bảo trợ xã hội. Ví dụ như phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho phụ nữ trên 40 tuổi thuộc diện giải tỏa, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi thì chưa được đề cập đến (trong khi việc làm nông nghiệp có thể giải quyết thu nhập đảm bảo đời sống cơ bản), vì thực tế đây là độ tuổi đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp rất khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Lan phát biểu góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức.
- Chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất và những người bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất là phụ nữ cũng cần được xem xét nhất là trường hợp phụ nữ bị mất việc làm khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cần chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp cho lao động nữ khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quy định chính sách hỗ trợ phù hợp với những lao động nữ bị ảnh hưởng việc kinh doanh, mua bán khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, cũng cần xem xét đến nhóm đối tượng quá độ tuổi lao động, hoặc không còn "tiềm năng" để tham gia vào thị trường lao động dù có được đào tạo nghề (nhóm đối tượng phụ nữ trên 40 tuổi) thì việc họ được hỗ trợ đào tạo nghề những cũng khó để tìm kiếm việc làm.
- Thông qua quy định về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam trong quản lý và sử dụng đất đai tại Điều 20 Dự thảo cần được bổ sung nội dung tại khoản 2 như sau: "thực hiện giám sát, phản biện quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư". Hiện nay, nội dung tại điểm c khoản 2 Điều 20 Dự thảo chỉ quy định việc tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Khoản 5 Điều 89 Dự thảo nghiên cứu sửa đổi bổ sung: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời, đảm bảo bình đẳng giới và đúng quy định của pháp luật".