Ly hôn trong độ tuổi dưới 40 ở Long An - đôi điều suy ngẫm

03/04/2019
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Tòa án nhân dân tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay, số vụ ly hôn trong độ tuổi dưới 40 chiếm từ 85-90% tổng số vụ ly hôn trong toàn tỉnh, trong đó, số vụ ly hôn xảy ra nhiều nhất tại các huyện: Bến Lức (496 vụ), Châu Thành (154 vụ), Đức Huệ (139 vụ) ...
- 1001 nguyên nhân

Có thể nói, khoảng chục năm gần đây, tuổi trẻ có xu hướng yêu cuồng, cưới vội khi còn quá trẻ, nhiều bồng bột: yêu đương sớm, sống thử, kết hôn khi chỉ vừa đủ tuổi quy định hoặc mới qua ngưỡng 20 tuổi. Ở độ tuổi này, các em chưa đủ trưởng thành, chưa có công ăn việc làm ổn định, điều kiện kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ hai bên, lại không chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để vượt qua những thử thách, phức tạp của cuộc sống hôn nhân, do vậy, chỉ cần xảy ra một chút mâu thuẫn, gặp một chút khó khăn, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã chọn cách chia tay nhau để mỗi người sống vì bản thân mình hơn là vì con cái, gia đình chung.

Chị Nguyễn Thị Trúc Giang, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chia sẻ: Xã hội theo cơ chế thị trường và đang bị “Tây hóa” đã tác động không nhỏ đến thái độ và lối sống của cả nam giới và phụ nữ Việt Nam. Sau giai đoạn yêu và cưới, tình cảm của nhiều cặp vợ chồng nhanh chóng nhạt phai, tính toán “sòng phẳng”, đề cao cá nhân nên tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến, dễ dàng.

Trường hợp của vợ chồng anh ĐVL, sinh năm 1991, ngụ ấp An Lục Long, huyện Châu Thành là một thí dụ: Anh L và vợ (sinh năm 1993) gặp nhau trong một tiệc cưới, chỉ sau hơn 1 tháng tìm hiểu, hai người quyết định cưới nhau. Gia đình bên vợ khá giả nên vợ anh L từ nhỏ được cưng chiều, lớn lên cũng không phải làm gì. Chính vì vậy, sau kết hôn, vợ anh L không biết lo toan cho gia đình nhỏ của mình, ham vui chơi với bạn như khi còn độc thân. Anh L không chấp nhận được cách sống của vợ nên sau nhiều lần cãi nhau, vợ chồng anh L quyết định ly hôn. Anh L bày tỏ: “Khi kết hôn, vợ chồng phải hiểu nhau, cảm thông và chia sẻ cho nhau mọi thứ trong cuộc sống, nhất là phải có trách nhiệm với từng thành viên trong gia đình thì mới mong sống với nhau bền chặt”.

Hay như trường hợp của chị NTTP, ngụ ấp Voi Lá, Thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Chị lấy chồng năm 24 tuổi, sau 10 năm chung sống, vợ chồng anh chị có 2 mặt con. Tuy nhiên, chồng chị đam mê cờ bạc, bỏ bê gia đình, không chịu làm ăn, nuôi dạy con cái. Chị P chọn giải pháp ly hôn và làm mẹ đơn thân ở tuổi 34, nuôi 2 con nhỏ ăn học bằng nghề may của mình. Chị P cho biết, sau ly hôn, cuộc sống của mẹ con chị bình an, các con chị không còn phải chứng kiến những cuộc tranh cãi quyết liệt giữa mẹ và người cha không gương mẫu.

Còn trường hợp của chị NTNT, sinh năm 1983, ngụ khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành: Chị T và chồng từ lúc yêu đến lúc cưới được nhau phải mất 7 năm, nhưng sau 6 năm chung sống, chị cũng phải chủ động đơn phương ly hôn vì chồng không những sa chân vào cờ bạc, đá gà, cá độ bóng đá mà còn có thêm ngoại tình. Hiện tại, với đồng lương công nhân, Chị T cảm thấy cuộc sống của hai mẹ con ổn định và tinh thần thoải mái hơn so với lúc còn sống chung với chồng.

- Người phụ nữ không còn cam chịu

Lý do ly hôn của các cặp vợ chồng có hàng ngàn lý do, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung dễ nhận thấy là: phụ nữ thời nay đã qua rồi cảnh cam chịu, họ không còn chấp nhận khi đi lấy chồng phải “trong nhờ, đục chịu”. Nhiều vụ ly hôn gần đây do người phụ nữ chủ động.

Người phụ nữ hiện đại ngoài đảm đương nhiều việc trong gia đình, chị em cũng phải đi làm, kiếm tiền, tham gia công tác xã hội, cuộc sống cả về kinh tế, tinh thần của phụ nữ ngày một tiến bộ, độc lập. Chính vì vậy, khi hôn nhân không được hạnh phúc, chị em đã chủ động ly hôn để tìm kiếm một cuộc sống tốt, phù hợp hơn.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, sau ly hôn, phụ nữ thường là người bị tổn thương nhiều hơn nam giới, giảm niềm tin đối với tình yêu, ngại khi mở lòng với người đàn ông khác, thậm chí không ít trường hợp chị em rơi vào chán chường, tuyệt vọng, trầm cảm, tuổi thọ giảm. Khả năng tái giá của phụ nữ thấp hơn nam giới.

- Những hệ lụy sau ly hôn

Ly hôn có thể là giải thoát cho cha mẹ nhưng lại rất dễ trở thành bi kịch, nỗi bất hạnh của những đứa con. Những đứa trẻ trong các gia đình có cha mẹ ly hôn, ít nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này nếu không được quan tâm kịp thời. Không ít trẻ thu mình lại trong thế giới riêng của mình, tự kỷ, thậm chí có những biểu hiện lệch lạc và sa ngã, thích nổi loạn, dễ rơi vào bế tắc, phạm tội...

Sau ly hôn, trẻ chỉ có thể chọn hoặc sống với cha hoặc với mẹ, chọn lựa nào cũng là mất mát với chúng: khi nhớ cha -cha còn bận với gia đình mới không về thăm thì làm sao gặp được cha; khi muốn về tìm mẹ, phải có sự đồng ý của cha hoặc dì v.v....

Chị NTMD, sinh năm 1983, ngụ ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành bày tỏ: “Em chỉ mong anh ấy nghĩ đến con mà về thăm cho nó đỡ nhớ, từ ngày có gia đình mới, anh ấy ít về thăm con nên nó nhắc ba hoài, dù em rất thương con và cố gắng bù đắp tình cảm cho con nhiều nhất có thể, nhưng trong lòng nó vẫn khát khao tình phụ tử, đó là điều làm em xót xa nhất sau ly hôn”.

Sau ly hôn, nếu cha mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em” luôn có tác động trái chiều trong giáo dục và tâm lý của trẻ. Hoặc nhiều trường hợp sau ly hôn, cha đi đằng cha, mẹ đi đằng mẹ, con trẻ lủi thủi về nương náu với ông bà như những đứa trẻ mồ côi. Đôi khi, cháu ở bên ngoại thì mất đi tình cảm bên nội - hay ngược lại - vì hai bên sui gia cũng xảy ra mâu thuẫn gay gắt sau ly hôn của hai đứa con. Những đứa trẻ phải hứng chịu nhiều thiệt thòi: học hành dang dở nếu như bên nuôi dưỡng khó khăn về tài chính; tham gia lao động sớm để kiếm tiền sinh sống và giúp đỡ ông bà... Nếu không được quan tâm, giáo dục tốt, các em sẽ hình thành những thói quen sống tạm bợ, đối phó, kể cả nói dối khi bị hoàn cảnh xô đẩy.

Một giáo viên cho biết, một học sinh lớp 6 của mình hay có biểu hiện căng thẳng, nóng nảy, thích nổi loạn và đánh bạn. Tìm hiểu hoàn cảnh thì biết ba mẹ em đã ly dị, em sống với gia đình mới của ba cùng dì và em nhỏ. Mẹ em cũng có gia đình mới, có thêm em bé nên em chẳng thích ở với ai. Dù nhớ mẹ nhưng chỉ được gặp mẹ vào ngày cuối tuần. Điều khiến em hụt hẫng là mình bị bỏ rơi, không được ai quan tâm. Chán ghét mọi người, cảm thấy mình không được yêu thương nên em luôn bực bội với mọi thứ xung quanh mình.

Phân tích những vụ bạo lực học đường, tội phạm ở tuổi vị thành niên, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý đều cho rằng những học sinh “trục trặc” về tâm lý, không biết cách ứng xử, kìm nén cảm xúc, thích dùng bạo lực thường rơi vào những gia đình ly tán, thiếu tình thương, các em thiếu sự quan tâm của người thân. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, 60% học sinh trải qua những biến cố gia đình như ly hôn, mất mát người thân hay cha mẹ tái hôn thường bỏ học sớm. Không những thế, xu hướng phạm tội, sa chân vào các loại tệ nạn xã hội… cũng gia tăng đáng kể. Theo nhiều thẩm phán, chuyên gia, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn khi lớn lên xây dựng gia đình thường có xu hướng đi theo vết xe đổ với tỷ lệ ly hôn tăng gấp đôi so với những đứa trẻ bình thường khác.

- Tiếng nói của chuyên gia

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có khung pháp lý tiến bộ về bình đẳng giới và đạt được kết quả đáng khích lệ về thực hiện bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, phụ nữ đã vươn lên khẳng định mình và đạt được rất nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Người phụ nữ dù sống trong xã hội tiến bộ đến mấy, thành đạt đến thế nào, họ vẫn luôn khát khao được sống trong một tổ ấm hạnh phúc, được tôn trọng, yêu thương, chia sẻ trong các mối quan hệ gia đình.

Xã hội hiện đại, đã qua rồi cảnh “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà đa phần họ gái yêu nhau rồi mới lấy nhau, tự quyết định việc chọn vợ, chọn chồng cho mình. Đây là xu thế tiến bộ. Song, mặt trái của tình yêu - hôn nhân tự do thời hiện đại cũng bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại và gây nhiều hệ lụy cho đạo đức và hạnh phúc gia đình như: tình yêu lệch chuẩn, tình yêu sinh viên, tình yêu khu công nghiệp, tình yêu cận huyết thống, vị thành niên ở nông thôn vùng cao, sống thử ở đô thị, hôn nhân không có tình yêu với người nước ngoài...

Là người trực tiếp xử lý các vụ liên quan đến hôn nhân gia đình, ông Trần Văn Quán, Thẩm phán, Chánh Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Long An, cho biết: Để hạn chế tình trạng ly hôn ngày càng trẻ hóa như hiện nay, hơn ai hết, các bậc làm cha mẹ trong mỗi gia đình cần quan tâm giáo dục con cháu mình về tình yêu, quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân và gia đình, nhất là đối với những em đủ tuổi kết hôn. Mặt khác, các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn trong các doanh nghiệp, đơn vị ... cần tăng cường và quyết liệt hơn trong tuyên truyền, giáo dục trang bị cho lớp trẻ kiến thức về tình yêu, những kỹ năng sống phù hợp trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hồng Loan – Ban Công tác phía Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video