Marie Curie: Người mẹ vĩ đại khởi xướng "truyền thống" giành giải Nobel của gia đình

09/10/2022
Cả thế giới nhớ đến Marie Curie như khoa học gia đại tài, người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel danh giá. Nhưng ít người biết rằng bà cũng là một người mẹ vĩ đại với vai trò khởi xướng "truyền thống" giành giải Nobel của cả gia đình.
Marie Curie năm 25 tuổi, 1892.

Người mẹ "toàn năng", tự nuôi dạy 2 con giành Nobel

Bà Curie không chỉ là một nhà khoa học lỗi lạc, mà còn là một người mẹ "toàn năng".

Nhà Curie có 2 người con gái. Irene, người chị cả, sinh năm 1897, 2 năm sau khi Pierre và Marie kết hôn. Con gái Eve được sinh ra 7 năm sau đó. Pierre qua đời bi kịch khi con gái thứ 2 vừa sinh ra. Điều này khiến Marie trở thành mẹ đơn thân và hoàn toàn phải nuôi 2 cô con gái một mình.

Cuộc đời của Madame Curie gần giống như một phiên bản phiêu lưu trong truyện tranh về chủ nghĩa anh hùng nữ quyền, một câu chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn cầu, kể cả các con gái bà suốt nhiều thập kỷ sau này.

Marie không hài lòng với việc học ở Paris vào thời điểm đó và dành thời gian dạy con gái tại nhà. Từng có lúc, bà tham gia vào một nhóm các học giả xuất sắc thay phiên nhau giảng dạy chuyên môn của họ cho các con, khi bà dạy vật lý. Bà cũng đảm bảo rằng các cô gái vẫn khỏe mạnh và tham gia vào tất cả các hoạt động thể chất, từ đi bộ đường dài đến nhào lộn.

Và công thức của bà đã hiệu quả. Irene tiếp bước mẹ mình. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở tuổi mười bảy, cô gái trẻ đã giúp mẹ thiết lập thiết bị chụp X-quang tại hiện trường để hỗ trợ những người lính bị thương, một hoạt động mà sau này sẽ giúp bà nhận được phần thưởng quân sự.

Sau chiến tranh, bà hoàn thành nghiên cứu sau đại học trong khi làm việc với mẹ tại Viện Radium. Ở đó, bà đã gặp chồng tương lai của mình, Frédéric Joliot. Nhiều năm sau, Irene và Frédéric Curie-Joliot nhận giải Nobel cho nghiên cứu của họ (cũng về phóng xạ). Và đó mới chỉ là bề nổi những thành tựu khoa học và nhân đạo của cặp đôi.

Irene và Frédéric có cuộc hôn nhân khoa học theo bước cha mẹ.

Đam mê của cô con gái thứ 2 Eve lại nghiêng về nghệ thuật và viết lách. Bà đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer về tin tức chiến tranh, và sau đó là "đệ nhất phu nhân" của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc). Vào năm 1965, bà đã cùng chồng lên sân khấu, với tư cách là giám đốc điều hành của UNICEF, ông đã thay mặt tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình.

Sau khi mẹ qua đời, Eve đã viết một cuốn tiểu sử đầy ấm áp về bà. Một nhà phê bình cho tờ New York Times đã viết rằng nó "khuấy động trái tim và trí óc nhờ sự cân bằng tuyệt vời của lý trí và tình cảm".

Thật khó để tưởng tượng cuộc sống hàng ngày của Marie Curie với tư cách là một người mẹ, phần vì sự xuất sắc không tưởng của lĩnh vực này bên cạnh khoa học. Bà gần như cống hiến trọn đời cho sự nghiệp, mà bằng cách nào đó vẫn nuôi dạy 2 người con đáng tự hào khi không có chồng.

Theo tính chất công việc, bà không phải lúc nào cũng ở bên con gái và phải dựa vào sự chăm sóc của người khác. Nhưng 2 con gái của bà thực sự yêu thương bà, đích thân chăm sóc cho người mẹ đang hấp hối của họ khi bà trở nên ốm yếu vì nhiễm phóng xạ. Thật khó để nghĩ ra một minh chứng tốt hơn cho tình cảm giữa họ.

Cuối đời

Khi nghiên cứu của bà về phóng xạ ngày càng căng thẳng, các phòng thí nghiệm của Curie trở nên thiếu thốn. Chính phủ Áo đã nắm bắt cơ hội tuyển dụng Curie và đề nghị thành lập một phòng thí nghiệm tiên tiến, theo Goldsmith.

Curie đã thương lượng với Viện Pasteur để xây dựng một phòng nghiên cứu phóng xạ. Đến tháng 7 năm 1914, Viện Radium ("Institut du Radium", tại Viện Pasteur, nay là Viện Curie) gần như hoàn thành. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, Curie tạm dừng công việc nghiên cứu của mình và tổ chức một đội máy chụp X-quang di động cho các bác sĩ ngoài mặt trận.

Tranh khắc Marie Curie đang giảng dạy tại Đại học Sorbonne

Sau chiến tranh, bà đã làm việc chăm chỉ để gây quỹ cho Viện Radium của mình. Tuy nhiên, đến năm 1920, bà bị các vấn đề về sức khỏe, rất có thể là do tiếp xúc với chất phóng xạ. Vào ngày 4/7/1934, bà qua đời vì suy tủy xương - một tình trạng xảy ra khi tủy xương không thể sản xuất các tế bào máu mới.

Bác sĩ của Curie kết luận rằng "tủy xương của bà ấy không thể phản ứng có lẽ vì nó đã bị thương do tích tụ lâu ngày các bức xạ".

Curie được chôn cất bên cạnh chồng ở Sceaux, một xã ở phía nam Paris. Nhưng vào năm 1995, hài cốt của họ đã được di chuyển và an táng tại Điện Pantheon ở Paris cùng với những công dân vĩ đại nhất của Pháp. Curies nhận được một vinh dự khác vào năm 1944 khi nguyên tố thứ 96 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố được phát hiện và được đặt tên là "curium".

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video