Mô hình hay - kinh nghiệm tốt
* Yên Bái: thực hiện tốt công tác dân số
Yên Bái là một tỉnh miền núi phía bắc với dân số trên 730.000 người sinh sống tại 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Nhờ những cố gắng trong công tác truyền thông dân số nên năm 2005, tỉnh Yên Bái đã giảm được tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên xuống còn 1,301%
Những kết quả đáng mừng
Với các nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia gần 5,5 tỷ đồng và từ các dự án nước ngoài trên l,2 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái tập trung vào những hoạt động dân số lớn như chương trình giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, đồng thời đẩy mạnh dự án “Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững thông qua hoạt động tín dụng tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình”... Năm 2005, hơn 2000 người ở 19 xã thuộc các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ đã được vay vốn để phát triền sản xuất. Nhờ đó, kinh tế gia đình của nhiều hộ nông dân phát triển, đời sống dần được cải thiện và nhận thức của người dân về dân số-KHHGĐ được nâng cao. Điều này được thể hiện bằng tỷ lệ 66,7% các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại như sử dụng bao cao su, uống và tiêm thuốc tránh thai. Vì vậy, toàn tỉnh đã có thêm 32.422 người sử dụng các BPTT. Tại các xã thực hiện chiến địch chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình, trên 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được cung cấp kiến thức, 60% phụ nữ có thai được khám thai, cấp viên sắt và tiêm phòng uốn ván, 100% phụ nữ đến khám phụ khoa được tư vấn và điều trị. Kết quả thực hiện các biện pháp làm mẹ an toàn và phòng chống các bệnh viên nhiễm đường sinh dục đều đạt 60-85%... Nhờ làm tốt công tác dân số nên tỉnh Yên Bái vẫn được Uỷ ban DSGĐTE Trung ương đánh giá không nằm trong 43 tỉnh, thành trên toàn quốc có mức sinh tăng trong 2 năm 2004 và 2005.
Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng công tác dân số của tỉnh Yên Bái hiện còn gặp không ít khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan ở nhiều nơi, sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền đối với công tác dân số-KHHGĐ chưa thực sự được chú trọng. Mặc dù đã có Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, nhưng đến quý III năm 2005, các chính sách này mới được triển khai đến cơ sở nên hiệu quả tác động vào thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu năm 2005 không lớn. Bên cạnh đó, việc xử lý cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 trở lên từ những năm trước ở một số nơi chưa nghiêm túc đã tạo tiền lệ không tốt về sau. Ngoài ra, cũng phải kể đến chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách xã và cộng tác viên còn thấp, mới chỉ dừng lại ở mức 30.000 đến 50.000 đồng tiền bồi dưỡng l tháng, trong khi khối lượng công việc tăng lên rất nhiều (thêm công tác gia đình và trẻ em), ảnh hưởng không nhỏ đến lòng nhiệt tình và sự ổn định đội ngũ cán bộ cơ sở.
Bà Hà Thị Sâm, Chủ nhiệm Uỷ ban DSGĐTE tỉnh Yên Bái cho biết: Trong năm 2006, tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm tỷ lệ sinh xuống còn 1,286%, giảm tỉ lệ trẻ SDD xuống dưới 26%, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên 67,9%... hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1,25% vào năm 2010./.
Các tin, bài liên quan:
- Phụ nữ Quảng Nam với công tác dân số, gia đình và trẻ em
- Câu lạc bộ bình đẳng giới: Nơi không chỉ dành cho phụ nữ
- An Giang sau 5 năm thực hiện chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ