Mô hình hoạt động Hội
- Hải Dương: Mô hình phụ nữ phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO

- Đắk Nông: Ra mắt các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em
Nhằm tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động nhằm tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh, hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông tổ chức ra mắt hai mô hình “Thôn an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song và mô hình “Bon an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại bon Kon Hao, xã Đăk Ha, huyện Đắk Glong.
Các mô hình nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội và vận động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại khu vực nông thôn với các tiêu chí: Thúc đẩy bình đẳng giới; ngăn ngừa bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và hành động vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, tổ chức các hoạt động tự giúp nhau của các thành viên trong mô hình hoặc hỗ trợ cộng đồng.
Mô hình “Bon an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại bon Kon Hao, xã Đăk Ha, huyện Đắk Glong
Tại buổi ra mắt, Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho Ban điều hành 02 mô hình và đông đảo hội viên phụ nữ.
- Hải Dương: Mô hình phụ nữ phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO
Thiết thực hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, Hội LHPN tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh bản địa IMO” tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng với sự tham gia của trên 100 đại biểu.
Đoàn đại biểu thăm hộ gia đình xử lý rác thải tại xã Cẩm Văn
Mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng men vi sinh bản địa IMO được triển khai điểm trong hơn 1 năm qua, từ những nguyên liệu sẵn có, chi phí ít như: chuối, đường, cám gạo, men rượu, … nuôi cấy và nhân bản men IMO để xử lý rác thải hữu cơ đã cho kết quả giảm từ 50-70% lượng rác thải ra môi trường, làm sạch môi trường đất, nước, không khí, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trong toàn tỉnh có 10/12 Hội LHPN huyện, thành phố, thị xã triển khai ở 32 mô hình với 695 hộ gia đình xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh IMO.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận tập trung về các nội dung: Hiện trạng vấn đề bảo vệ môi trường và kết quả của việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh bản địa IMO; Ứng dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, qua đó, cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cũng như khó khăn, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh bản địa IMO” tại cộng đồng.
Các đại biểu trao 200 thùng ủ rác thải hữu cơ cho xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng
Bà Trần Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Đây là mô hình tiềm năng, triển vọng cần được phát triển trong thời gian tới. Các cấp Hội cần tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân tích sử dụng men IMO để xử lý rác, từng bước thay đổi trong sinh hoạt của người dân, thay đổi những hành vi tác động, gây hại cho môi trường; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, đồng chí đề nghị mỗi cán bộ Hội cần gương mẫu đi đầu thực hiện việc sử dụng men IMO trong xử lý rác thải, tiến tới cuối năm 2023, mỗi cơ sở có ít nhất 30% hộ gia đình sử dụng men vi sinh IMO; Thành lập nhóm sản xuất men vi sinh IMO tại các thôn, khu dân cư.
Dịp này, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, Công ty TNHH dệt Pacific Crystal đã trao tặng 200 thùng ủ rác có dung tích 150 lít cho xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng.