Mở ra cơ hội cho sản phẩm của phụ nữ dân tộc thiểu số gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu
Có dịp trò chuyện cùng những người sáng lập Palmania, một doanh nghiệp có 100% lao động là nữ tại An Giang, có thể nhận thấy những tâm huyết và nỗ lực của họ để khôi phục, gìn giữ nghề sản xuất mật thốt nốt - một nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương.
"Năm 2022, chúng tôi "loay hoay" tìm hướng đi thị trường cho mình, khi mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 15 tấn mật thốt nốt phục vụ cho thị trường trong nước và một số cửa hàng nhỏ tại Phần Lan. Tôi thực sự không biết tìm kiếm khách hàng ở đâu. Nhờ Biotrade, tôi gặp gỡ và kết nối với những nhà buôn lớn trong ngành, mở ra cánh cửa mới cho chúng tôi", chị Hoài Trần, đồng sáng lập của Palmania, chia sẻ.
Phụ nữ Khmer tại An Giang nỗ lực của họ để khôi phục và gìn giữ nghề sản xuất mật thốt nốt
"Được hỗ trợ thực hiện nghiên cứu thị trường cho sản phẩm mật thốt nốt, qua đó cho thấy được những tiềm năng và cơ hội của sản phẩm vô cùng đặc thù này tại thị trường cao cấp như Châu Âu, chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường, vừa để tăng doanh thu, vừa hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân, góp phần giữ nghề truyền thống và cải thiện đời sống của họ", chị Châu Ngọc Dịu, CEO kiêm người đồng sáng lập Palmania, chia sẻ về mục tiêu của doanh nghiệp.
Không chỉ đồng hành để đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc vào chuỗi giá trị, các doanh nghiệp còn dành nhiều thời gian để nâng cao nhận thức, thay đổi hành động, thói quen, giúp phụ nữ dân tộc tham gia sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.
"Với đặc thù của một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, chế phẩm từ hạt đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng là vô cùng quan trọng. Với khoảng 600 hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu đậu đỗ hữu cơ tại tỉnh Cao Bằng, trong đó phần đông là phụ nữ dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy, chị em phụ nữ dân tộc có khá nhiều rào cản khi tham gia chuỗi giá trị.
Vì vậy, với sự hỗ trợ của dự án Biotrade, chúng tôi đã tập trung nâng cao năng lực cho chị em các phương thức sản xuất hữu cơ, giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có nhận thức tốt hơn thông qua các buổi tập huấn, qua các hoạt động truyền thông liên tục bằng hình ảnh giúp dễ nhớ, dễ ghi nhận", anh Lại Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti), cho biết.
Các sản phẩm của phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, quảng bá, giới thiệu tại nhiều quốc gia
Palmania, Hanuti là 2 trong số 78 công ty từ Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia được Dự án Biotrade hỗ trợ gia nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dự án được triển khai từ năm 2016 đến năm 2024, được tài trợ bởi Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), với tổng ngân sách 8,5 triệu franc Thụy Sĩ.
Qua 8 năm thực hiện, với 2 giai đoạn, dự án đã cải thiện điều kiện làm việc, tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho những người dễ bị tổn thương ở các khu vực hẻo lánh, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc khác nhau.
Cải thiện sinh kế, nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đánh giá về các thành tựu nổi bật của Dự án Biotrade
Tại hội nghị Tổng kết Dự án với chủ đề "Vun đắp tương lai xanh: Câu chuyện Biotrade ở Mê Kông", Ngài Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho biết: Dự án đã mang lại lợi ích cho hơn 50.000 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn vùng sâu vùng xa, nhờ cải thiện thu nhập, tạo việc làm và cải thiện điều kiện làm việc. Nhiều công ty đã tiếp cận các thị trường mới và các hoạt động bền vững đã tạo cơ sở cho việc tăng thu nhập và phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Lam Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (Tổ chức quản lý triển khai tại Việt Nam), chia sẻ thêm: "Dự án Biotrade là một sáng kiến mới tại Việt Nam. Qua thời gian thực hiện đã góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị của Biotrade đã xây dựng được vùng nguyên liệu, tiếp cận trực tiếp được với những người dân tại các địa phương có tài nguyên dồi dào, đảm bảo chất lượng. Còn người dân tạo các địa phương, khi tham gia đã mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng, giá bán cho sản phẩm, cải thiện sinh kế, nâng cao vị thế trong xã hội.
Hội nghị Tổng kết Dự án vừa được tổ chức tại Hà Nội
Với những chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, việc tham gia chuỗi giá trị này rất có ý nghĩa. Chúng tôi nhận thấy chị em vùng dân tộc thiểu số vốn chịu nhiều rào cản về xã hội, về tiếp cận kiến thức giáo dục. Vì vậy, khi xây dựng các chương trình can thiệp, chúng tôi luôn đặt chị em phụ nữ là trọng tâm, với các cách tiếp cận phù hợp với văn hóa địa phương, để chị em được nâng cao về năng lực sản xuất cũng như các kỹ năng đàm phám, kinh doanh... Qua đó tạo ra sự cân bằng trong phát triển kinh tế giữa nam và nữ".