Mường Khương, Lào Cai: Hội LHPN thúc đẩy phát triển nghề làm tương ớt truyền thống
Tương ớt truyền thống của chị em phụ nữ ở Mường Khương lâu nay nổi tiếng là sản phẩm đậm đà, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích, thế nhưng sản phẩm này vẫn chỉ dừng lại ở mức sản xuất nhỏ lẻ trong các hộ gia đình.
Đến năm 2022, Hội LHPN thị trấn Mường Khương đã liên kết hội viên phụ nữ của thị trấn thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất tương ớt Na Đẩy, chuyên trồng và chế biến những quả ớt tươi thành sản phẩm tương ớt bán ra thị trường.
Những ngày đầu thành lập, Tổ hợp tác còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ nỗ lực và đặc biệt là sự trợ giúp từ Hội LHPN huyện, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, về nguồn vốn, về kỹ năng tiếp cận thị trường giới thiệu sản phẩm, quản lý vận hành, cho đến nay, Tổ hợp tác sản xuất tương ớt Na Đẩy đã đi vào hoạt động ổn định, đem lại việc làm và thu nhập cho chị em, hội viên hàng tháng một cách khá bền vững.
Các thành viên Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy thu hoạch ớt tươi về chế biến tương ớt
Bà Hà Ngọc Anh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mường Khương, chia sẻ: “Sau 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, Tổ hợp tác có khoảng 15ha ớt bản địa liên kết với 60 hộ dân tham gia trồng tại các thôn trên địa bàn thị trấn. Từ những quả ớt do Tổ hợp tác thu mua đã được chế biến thành sản phẩm tương ớt vàng bản địa Mường Khương, từng bước tạo được uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, Tổ hợp tác trồng ớt bản địa thị trấn Mường Khương không chỉ thu mua quả ớt của các hộ dân trên địa bàn thị trấn mà con thu mua của người dân các xã Thanh Bình, Nấm Lư, Nậm Chảy”.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Lào Cao và Hội LHPN huyện Mường Khương đều tích cực hỗ trợ tuyên truyền quảng bá và kết nối các đơn vị doanh nghiệp để đưa sản phẩm tương ớt Mường Khương ra thị trường. Nhờ đó, số lượng sản phẩm của Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy sản xuất ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đấy. Cho đến nay, Hội LHPN thị trấn Mường Khương vẫn tiếp tục vận động các gia đình mở rộng quy mô sản xuất mang tính chuyên canh cao, từ đó có nguồn ớt nguyên liệu ổn định để duy trì sản xuất đều đặn, đảm bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Tương ớt thành phẩm được đưa ra thị trường
Chị Vàng Thị Mây, ở thôn Na Khui, thị trấn Mường Khương, cho biết: “Từ khi có Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt, các gia đình đều có sự thống nhất trong trồng và thu hoạch, chế biến tương ớt, không còn làm theo kiểu nhà nào biết nhà nấy như ngày xưa. Hội LHPN cũng hỗ trợ giống ớt mới, để mùa nào cũng có ớt phục vụ việc sản xuất tương ớt đều đặn, rồi Hội cử đi tập huấn các phương pháp chế biến, bảo quản và đóng gói theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nên chị em chúng tôi cũng phấn khởi và tích cực sản xuất hơn”.
Còn chị Vàng Thị Hằng, thôn Tùng Lâu, thị trấn Mường Khương, chia sẻ: “Nghề làm tương ớt ở Mường Khương có từ lâu rồi nhưng bà con chúng tôi chủ yếu làm để ăn trong gia đình, nhà nào làm nhiều thì bán ra ngoài chợ để có thêm thu nhập. Từ khi Hội LHPN thị trấn kêu gọi mọi người tham gia Tổ hợp tác sản xuất tương ớt thì nghề này mới phát triển quy mô như bây giờ. Đến nay, tương ớt của chúng tôi đã được nhiều nơi biết tới, nhờ đó mà chị em cũng có thêm việc làm, thêm thu nhập ổn định”.