Nam Định: Người thợ dệt tiêu biểu trong phòng trào “Ba đảm đang”

Bà Vũ Thị Bích Liên - sinh ngày 1940, nguyên là công nhân nhà máy Dệt thuộc công ty Dệt Nam Định. Bà sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Định anh hùng vào đúng những năm tháng miền Bắc tập trung phát triển kinh tế đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là những năm tháng gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Năm 1959, khi vừa tròn 19 tuổi, bà Liên xin vào làm công nhân của Nhà máy Dệt Nam Định. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát, chỉ sau hơn một năm làm thợ dệt, bà Liên đã trở thành thợ chính đứng máy. Sau 4 năm, bà là một trong số những công nhân đứng máy đạt năng suất cao của nhà máy.
Tháng 3/1965, TW Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang”: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Chị em công nhân nhà máy Dệt Nam Định cũng hăng hái hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, nhiều chị liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch. Bà Liên là một trong những điển hình đó.
Ngày 01/12/1965, tại hội trường Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Thành hội phụ nữ Hà Nội mở Đại hội “Ba đảm đang”. Bà Liên vinh dự được chọn cử đi dự Đại hội. Đây cũng là lần thứ hai Bà được gặp Bác Hồ.
Năm 1965 bà Liên lập gia đình, một năm sau bà sinh con trai đầu lòng, năm 1967 chồng bà lên đường nhập ngũ. Một mình ở nhà, bà vừa làm việc tại nhà máy vừa tận tình chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi con nhỏ, giữ trọn đạo thủy chung.
Đầu năm 1970, Nhà máy Dệt Nam Định tiếp tục phát động đẩy mạnh sản xuất khi giặc Mỹ tổ chức chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ra miền Bắc. Công nhân các xưởng nô nức thực hiện khẩu hiệu “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật, bật điển hình, trở thành thợ giỏi” qua các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi từ cấp tổ, buồng máy, xưởng và toàn nhà máy, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 1 triệu mét vải để phục vụ tiền tuyến giành thắng lợi cuối cùng. Thời gian này, bà Liên luôn phấn đấu, tự nguyện “tăng ca, tăng giờ”. Bà là trong số ít thợ dệt của nhà máy đảm nhiệm từ 8-12 máy/ca sản xuất, đạt danh hiệu Thợ giỏi toàn miền Bắc “Những con thoi nhanh nhất” năm 1970 - 1971.
Với 36 năm là người công nhân của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, bà Liên là một trong “Những con thoi nhanh nhất của nhà máy”, là “Thợ giỏi toàn miền Bắc”, bà đã làm việc không mệt mỏi, nhiệt huyết, hăng say, mê mải với từng con thoi, sợi chỉ, góp một phần sức lực để dệt nên hàng triệu mét vải cho đất nước, vì miền Nam ruột thịt. Là một người phụ nữ của gia đình, bà Liên tự hào vì mình đã làm trọn đạo hiếu, trong những ngày chồng đi chiến đấu xa nhà, bà chăm lo cho bố mẹ già lúc ốm đau, tuổi cao sức yếu, nuôi hai con khôn lớn trưởng thành.