Nâng tầm vị thế thương hiệu Việt qua các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao

05/11/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được thực hiện với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao biểu trưng “Thương hiệu quốc gia” năm 2024 cho ông Đặng Văn Tuyên - Ủy viên HĐQT BIDV

Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh" - sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ - Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, sở, ban, ngành địa phương và các đồng chí Ủy viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam và đại diện 190 doanh nghiệp xuất sắc đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.

Nâng cao uy tín thương hiệu Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.

Qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định là một trong những Chương trình uy tín, chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.

"Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia"- Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần không ngừng khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín Thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với Thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng cần không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. 

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước 

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Nguyễn Hồng Diên khẳng định chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được triển khai thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, và phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có nền sản xuất phát triển, có nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước, trở thành bệ phóng vững chắc, giúp các doanh nghiệp Việt vươn lên, kiến tạo những giá trị và sức mạnh mới cho đất nước.

"Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là "chìa khóa" giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu; từ đó, chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Các doanh nghiệp được vinh danh

Lễ công bố doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được thực hiện thường kỳ 2 năm một lần, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị trụ cột của Chương trình; đồng thời, ghi nhận, vinh danh những doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, chất lượng hàng đầu quốc gia.

Quá trình xét chọn được thực hiện chặt chẽ, khách quan, minh bạch theo đúng quy trình, quy định đã được phê duyệt. Năm 2024, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (tăng 18 doanh nghiệp và 34 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước), cao nhất từ trước đến nay.

Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video