Nghe kể chuyện cổ Ba Na trên tấm dệt
Khi mẹ đến rước, Tuấn Kiệt (quận Phú Nhuận, TPHCM) vừa chạy ra cầu thang vừa huyên thuyên nói: “Mẹ ơi, khung dệt lạ lắm mẹ. Có nhiều loại khung dệt: khung dệt cổ, khung dệt cải tiến nữa mẹ. Bà dệt vải và kể chuyện cổ bằng tiếng Ba Na đó mẹ. Mà tấm dệt cũng đẹp nữa”. Em gái Tuấn Kiệt hào hứng tiếp lời: “Bà hơn 70 tuổi rồi đó mẹ, bà dệt giỏi lắm. Bà trông khỏe hơn bà ngoại nhà mình”.
Anh em Tuấn Kiệt vừa đắm mình trong không gian văn hóa Ba Na giữa Sài Gòn náo nhiệt qua chương trình “Dệt vải và nghe kể chuyện cổ Ba Na trên tấm dệt” do Thong Bahnar Weaving Culture (*) cùng hội quán Các Bà Mẹ phối hợp tổ chức những ngày đầu hè.
Không riêng anh em Tuấn Kiệt, tất cả các bé đến với chương trình đều lần đầu được làm quen với văn hóa Ba Na. Các bạn say sưa nhìn ngắm nghệ nhân Yă Yin trong chiếc váy thổ cẩm nhẹ lướt đôi tay trên khung dệt, được chơi với rổ bông vải trắng muốt còn lẫn hạt và được đem hạt bông về nhà trồng.
Khi nghe chú Thong Bahnar (Huỳnh Nguyên Thông, người sáng lập thương hiệu Thong Bahnar Weaving Culture ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phác họa tỉ mỉ 7 công đoạn từ bông trên cây biến thành một tấm vải dệt có nhiều hoa văn độc đáo, rồi từ tấm vải ấy điểm trang trên chiếc quai guốc hay chiếc áo dài xinh xinh, các bé vô cùng bất ngờ và khâm phục kỳ công của những người thợ.
Phải mất cả tháng ròng, người thợ qua các khâu trồng bông, hái bông, xe sợi, xả sợi, nhuộm sợi, bó sợi, dệt, may mới hoàn thành một sản phẩm. Bông nhuộm xong cũng không được phơi nắng gắt vì dễ bạc màu.
Bất ngờ tiếp nối bất ngờ khi bé Hoa Nhung (quận Tân Bình, TPHCM) biết được chỉ những sản phẩm thao tác tự nhiên từ khâu đầu đến khâu cuối mới được gọi tên là thổ cẩm (còn không thì chỉ gọi là vải dệt có hoa văn của thổ cẩm). Bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của Hoa Nhung cứ vuốt ve rổ bông êm mịn và những cuộn bông thành phẩm dạng sợi đã được nhuộm màu tự nhiên, an toàn, không hóa chất.
Lần đầu tiên, Hoa Nhung và các bạn được chạm vào khung dệt, cùng săm soi, xuýt xoa cho hành trình từ sợi bông “hóa phép” thành những tấm vải nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo.
Các bé nhao nhao nói “nhà con có, nhà con cũng có” khi nghe chú Thong Bahnar nhắc đến những nguyên liệu nhuộm. Đó là những hoa lá, cây cỏ thân thuộc dễ kiếm quanh ta như: hạt điều, nghệ vàng, lá cẩm, hạt mồng tơi chín, lá ổi (giúp bám màu), vỏ măng cụt, hạt bơ, bã cà phê, thậm chí tro, bùn…
Bé Hạ Nhiên (quận Bình Thạnh, TPHCM) tròn mắt khi được biết hoa sử quân tử (trang leo) tuy có màu hồng, đỏ nhưng khi được nấu, nhuộm lên bông vải sẽ cho ra… màu xanh rêu.
Các bé hào hứng lắng nghe câu chuyện cổ do Yă Yin và Thong Bahnar kể
Hè này, bé lên nhiều kế hoạch vui chơi nhưng nhất định sẽ có trò tập nhuộm những chiếc áo cũ theo hướng dẫn đơn giản mà vô cùng kỳ thú của chú Thong Bahnar. Là con gái điệu đà, bé sẽ nhuộm loang vài chiếc áo bằng cách nấu nguyên liệu lên, để nguội bớt khoảng 80 độ C rồi nhúng áo vào nồi nước, giở lên, lặp lại nhiều lần. Chiếc áo sẽ ẩn hiện những hoa văn độc lạ, không đụng hàng.
Dù không hiểu tiếng Ba Na, nhưng với lời kể trầm bổng và ánh mắt sinh động của Yă Yin cùng bàn tay lần theo từng khung cảnh trên tấm dệt (ứng với từng phân đoạn câu chuyện), các bé vẫn chăm chú lắng nghe từ đầu tới cuối chuyện đời của chàng trai Hơ Rit nghèo khổ nhưng hiền lành, tốt bụng, hiếu thảo. Yă Yin với óc sáng tạo tuyệt hảo và bàn tay vàng đã để lại những tác phẩm vô giá là hàng chục tấm dệt lồng những câu chuyện mà từ thuở nhỏ bà đã được nghe người trong làng kể bên bếp lửa đêm khuya, dưới mái nhà rông.
Các câu chuyện rất dài, tình tiết ly kỳ hấp dẫn, quá sức tải bằng các hoa văn trên một tấm dệt, buộc bà phải chắt lọc những hình ảnh điển hình nhất để diễn đạt cho người xem hiểu cơ bản mạch truyện. Qua lời phiên dịch và dẫn dắt của chú Thong Bahnar về câu chuyện Hơ Rit, các bé cảm thấy có sự gần gũi giữa văn hóa Ba Na và Kinh. Đó là cái kết có hậu đối với ai sống có nghĩa có nhân, mà cụ thể ở đây là cậu Hơ Rit.
Chị Thúy Hằng (quận 12, TPHCM) và nhiều phụ huynh cùng các bé hẹn một dịp rất gần sẽ đến đại bản doanh của Thong Bahnar ở TP Kon Tum để được thưởng thức nhiều hơn nữa nét đẹp văn hóa của người Ba Na cùng các dân tộc ở Tây Nguyên. Nơi đó, ba mẹ và con được hòa mình với rừng núi, sông suối, trong tiếng cồng chiêng, trong vòng múa xoang bập bùng ánh lửa, được nghe kể thêm những câu chuyện cổ hấp dẫn, cho trí tưởng tượng bay xa.
Bé Phúc An (sắp lên lớp Năm, con chị Thúy Hằng) rất mê tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hóa các vùng miền. Vào những ngày hè, chị tranh thủ đưa con đi thăm các bảo tàng, di tích lịch sử để con hiểu chiến tranh là sự thật đã diễn ra trên dải đất hình chữ S này và con không được phép lãng quên, hạn chế cho con tiếp cận thiết bị điện tử, chị đưa con đi xem phim, đi nhà sách, đi bơi, đá bóng, vẽ tranh, học đàn, trống…
Đặc biệt, chị đưa con dự những hoạt động chủ đề như thế này để con mở rộng tầm nhìn, thêm yêu văn hóa truyền thống và có những trải nghiệm ấn tượng, khó quên.
(*) Thong Bahnar Weaving Culture (làng cổ Kon K’tu, TP Kon Tum, website https://thongbahnar.vn/) là đơn vị duy nhất ở Tây Nguyên còn duy trì việc dệt vải theo phương thức truyền thống của dân tộc Ba Na, đồng thời có những chương trình trải nghiệm, hội thảo đa dạng chủ đề về học dệt, kể chuyện cổ, sống trong làng dệt…