Người khôi phục trang sức cườm đá của đồng bào Cor

20/03/2023
Nếu có dịp tham dự lễ hội của đồng bào Cor, chắc hẳn du khách sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những cô gái Cor trong bộ trang phục truyền thống với điểm nhấn là những trang sức bằng cườm đá 7 màu được đội trên đầu, đeo trên cổ và quấn ngang hông.
Nhiều năm liền mải miết với công cuộc truyền nghề cho lớp trẻ, giờđây Nghệ nhân Hồ Thị Non không còn lo nghề bị thất truyền

Bộ trang sức độc đáo ấy đã có lúc tưởng như thất truyền trong cộng đồng người Cor tại Quảng Ngãi, nếu như không được nghệ nhân Hồ Thị Non (69 tuổi) cất công sưu tầm, gìn giữ và truyền nghề cho phụ nữ Cor.

Gặp lại người duy nhất khôi phục nghề làm cườm đá của người Cor

Đi qua cây cầu Suối Nang, men theo con đường nhỏ, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Hồ Thị Non. Ngôi nhà của bà Non nằm giữa thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) khác biệt hoàn toàn với những ngôi nhà xung quanh, vì ngôi nhà được trưng bày nhiều chuỗi cườm đá nhiều màu sắc và rất đẹp mắt.

Ở tuổi gần 70, nhưng đôi mắt của nghệ nhân Non vẫn tinh anh và đôi tay vẫn còn nhanh nhẹn. Từng động tác quấn dây, đo cước, xỏ cườm thoăn thoắt cho thấy sự thuần thục của một người đã từng gắn bó với nghề hơn một thập niên.

Cầm trên tay bộ cườm đá đẹp mắt vừa được hoàn thiện, nghệ nhân Non nhớ lại ký ức cách đây mấy chục năm, khi bà còn là thiếu nữ. Nghệ nhân Non thổ lộ, với người Cor, bộ trang sức cườm đá được ví như vàng, thậm chí còn quý hơn. Họ coi trọng, giữ gìn và thường đeo vào những dịp lễ hội, cưới hỏi. Trải qua chiến tranh, thứ đồ trang sức quý giá này cũng dần thất lạc... Trong lễ cưới của mình cách đây hơn 40 năm, bà Non không được đeo trang sức cườm đá. Điều này khiến bà đau đáu, trăn trở là phải làm sống lại nghề làm cườm đá của đồng bào Cor, tìm lại bản sắc văn hóa cho dân tộc mình.

Đối với đồng bào Cor nói chung và phụ nữ Cor nói riêng, trang sức cườm đá vừa là nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần. Từ rất lâu, trang sức cườm đá đã được xem là món quà hồi môn quý giá được người con gái Cor mang về nhà chồng và đeo vào các dịp lễ hội. Sự chuyển động của những chuỗi cườm đá 7 màu như hòa cùng những động tác múa uyển chuyển trong điệu Cà Đáo giúp người con gái Cor nơi núi rừng thêm đẹp và duyên hơn.

Đồng bào dân tộc Cor giao thương với người Việt và người Hoa từ rất sớm. Từ đặc sản quế, người Cor Trà Bồng đã biết trao đổi để lấy các loại nồi, niêu, cồng, chiêng, muối, gạo, vải vóc… và tạo ra cho mình bộ trang phục truyền thống thể hiện được nét văn hóa đặc sắc riêng. Nếu bộ trang phục với vải mua từ người Việt khá phổ biến thì phần trang sức gồm các vật liệu có xuất xứ từ nước ngoài lại gây khó khăn trong việc tìm nguồn hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến bộ trang sức cườm đá người Cor có một thời gian bị mai một”, nghệ nhân Hồ Thị Non

Vốn công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng, công việc của nghệ nhân Hồ Thị Non là truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và múa chiêng cho lớp trẻ người Cor tại vùng đất quế. Cũng từ đây, khi nhìn thấy những thiếu nữ người Cor biểu diễn trong bộ trang phục truyền thống nhưng lại thiếu đi vòng đội đầu, dây đeo cổ, thắt hông bằng cườm đá làm mất đi linh hồn của điệu múa đã thôi thúc bà Non quyết tâm tìm lại trang sức độc đáo này cho dân tộc mình.

Bộ trang sức cườm đá được xem là một trong những đặc điểm nổi bật tô thắm thêm vẻ đẹp của thiếu nữ Cor. Cườm có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau được xâu thành chuỗi, quấn nhiều vòng đeo trên cổ, trán và hông. Trái ngược với bộ cườm nhựa rẻ tiền, kém bền, kém đẹp thì cườm đá có giá trị cao, càng đeo lại càng bóng.

Nghĩ là làm, nghệ nhân Non đi khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc tìm kiếm nguyên liệu cườm đá để rồi không ít lần thất vọng vì không tìm được đúng loại cườm mình cần. Sau một thời gian dài, bà cũng tìm được nguồn hàng, mở ra niềm hy vọng chạm đến giấc mơ khôi phục trang sức cườm đá trong một tương lai không xa.

Nghệ nhân Non bắt đầu mày mò cách làm trang sức trong ký ức, quên ở đâu lại tìm đến các bà, các mẹ trong làng để học hỏi. Làm trang sức cườm đá đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ và có tính kiên nhẫn cao. Từ sự cố gắng của bản thân, nghệ nhân Non đã trở thành người duy nhất ở huyện Trà Bồng làm ra được bộ trang phục, trang sức truyền thống dân tộc Cor trọn vẹn tại thời điểm đó, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa nói chung và trang phục của người Cor nói riêng.

Truyền nghề để giữ nghề

Sau khi thành công trong việc tìm lại nghề làm trang sức truyền thống của người Cor, những đơn đặt hàng đến với nghệ nhân Non ngày càng nhiều. Ai cũng muốn mau chóng sở hữu cho mình bộ trang sức quý giá đã có một thời gian dài vắng bóng. Từ những khách hàng là người địa phương, danh tiếng của nghệ nhân Non bắt đầu lan sang các vùng lân cận rồi đến tận huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nơi có một cộng đồng người Cor sinh sống khá đông. 

Để làm nên một bộ trang sức cườm đá cầu kỳ, một thợ lành nghề phải mất hơn 1 tháng. Mỗi bộ trang sức gồm vòng đội đầu, dây thắt hông, đeo cổ có giá 4,5 triệu đồng. Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn thì đây là một số tiền không nhỏ, nhưng với giá trị của bộ cườm trong văn hoá truyền thống của dân tộc và công sức của người nghệ nhân làm nên thì hoàn toàn xứng đáng”, theo Nghệ nhân Hồ Thị Non.

Huyện Trà Bồng đã đặt hàng cho nghệ nhân Hồ Thị Non mỗi năm làm 10 bộ trang sức để tặng cho các xã trên địa bàn huyện với mục đích giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc. Nhận thấy một mình không đủ thời gian để hoàn thành các đơn đặt hàng cho khách lẻ và địa phương, bà Non đã cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể cách làm cho con cháu. 

Nghệ nhân Non cho rằng, chỉ có truyền nghề, phổ biến nghề ra thật rộng rãi thì mới có thể gìn giữ được nghề đến mai sau nên khi có người từ các xã khác trong huyện tìm đến xin học cách làm trang sức cườm đá, nghệ nhân Non đều vui mừng, hào hứng chỉ bảo nhiệt tình, với hy vọng phổ biến, tuyên truyền cái nghề này lại cho lớp trẻ.

Với nụ cười rạng ngời trên môi, nghệ nhân Hồ Thị Non tâm sự, được truyền dạy lại cách làm món đồ trang sức này cho những người Cor chưa biết, tôi thấy rất vui và đầy tự hào. Cách đây 3 năm, biết tại địa phương có 3 em học sinh THPT có hoàn cảnh rất khó khăn thế là tôi bảo các em về nhà mình để dạy nghề làm trang sức. Vừa có thêm người phụ giúp mà tôi cũng có dịp để lo ăn, lo mặc, lo tiền học phí để các cháu vơi bớt khó khăn, vươn lên học tập tốt. Giờ tụi nhỏ đều ra trường rồi, nhưng thỉnh thoảng có thời gian tụi nhỏ vẫn hay ghé đến để học thêm cách làm cườm. Có nhiều người yêu thích nghề này như thế nên giờ đây, tôi không còn lo nghề bị thất truyền.

Trang sức cườm đá của người Cor ngày nay đã phổ biến tại vùng đất quế Trà Bồng. Trang sức gắn liền với bộ trang phục truyền thống, theo chân thiếu nữ người Cor trong ngày cưới, dịp lễ hội, hay hòa cùng nhịp lắc lư của điệu múa cồng chiêng… không chỉ tôn thêm vẻ đẹp, duyên dáng cho các cô gái Cor, mà còn góp phần làm đa dạng, phong phú trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phạm Minh Đát, cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, nhưng đồng thời cũng có những mặt tiêu cực làm phai mờ đi các bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trước thực tiễn đó, mỗi một người dân cần có ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

“Để việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, cũng như các loại trang phục, trang sức truyền thống nói riêng đạt hiệu quả thì cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức các cuộc trình diễn, trưng bày, triển lãm trang phục truyền thống các dân tộc, hay đưa trang phục truyền thống vào trường học... để lớp trẻ thêm yêu, thêm hiểu về giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phạm Minh Đát.

Baoquangngai.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video