Người trên 50 tuổi sẽ là động lực cho nền kinh tế

16/03/2025
Kinh tế "tóc bạc" hay kinh tế "bạc" (Silver Economy) bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế, sản phẩm và dịch vụ dành cho người trên 50 tuổi. Nó bao gồm các ngành như chăm sóc sức khỏe, du lịch, tài chính, nhà ở, công nghệ hỗ trợ và các dịch vụ xã hội dành cho nhóm dân số già.
Nhật Bản có thể coi là tiên phong khi tạo nên hàng loạt chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Ảnh: Japantimes

Đến năm 2060, ở châu Âu, cứ 3 người thì có 1 người trên 65 tuổi. "Baby boomers" (những người được sinh ra từ năm 1935 đến 1960) là thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như phong biểu tình chiếm đóng của sinh viên chống lại chủ nghĩa tiêu dùng và các thể chế truyền thống tháng 5/1968 hay sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Giờ đây, họ nắm giữ nhiều quyền lực trong kinh tế và chính trị, với những nhân vật tiêu biểu như Angela Merkel hay Bill Gates. Họ có tuổi thọ cao hơn, nhiều thời gian rảnh hơn và sở hữu khối tài sản lớn hơn thế hệ sinh từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 (gấp 11 lần theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ).

Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các nước phát triển khác, kéo theo sự thay đổi về tiêu dùng. Trong đó, người cao tuổi sẽ trở thành động lực của nền kinh tế "tóc bạc".

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế "tóc bạc" có thể đạt khoảng 15.000 tỷ USD vào năm 2030. Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển kinh tế "tóc bạc" do tỷ lệ già hóa cao. Nhật Bản ước tính ngành này đóng góp 40% GDP vào năm 2050.