Những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Quảng Ngãi
- Chị Nguyễn Thị Loan phát triển mực tẩm doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm
- Chị Nguyễn Thị Tâm thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen
- Gương đảng viên phụ nữ dân tộc Hrê vươn lên thoát nghèo
- Bà Võ Thị Giao thu nhập ổn định nhờ liên kết trồng rau hẹ sạch hữu cơ
Gia đình bà Võ Thị Giao (62 tuổi), thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức là một trong những hộ có diện tích trồng hẹ nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao với diện tích gần 1ha. Bà chia ra làm nhiều liếp để thu hoạch xoay vòng.
Theo bà Giao, để quá trình trồng cây hẹ đạt hiệu quả cao, bà cũng như các thành viên trong mô hình liên kết trồng rau hẹ sạch đã chú ý từ cách làm đất, bón phân, chọn giống tốt. Nhờ vậy cây sẽ phát triển và cho thu hoạch nhanh hơn. Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi 3 - 4 tép, khoảng cách 15 x 15cm. Sau khi trồng, bà tiến hành phủ trên luống bằng rơm rạ mỏng, tưới nước đủ ẩm. Hẹ dễ sống, dễ nảy chồi nên khi trồng bằng thân, hẹ mọc tốt sẽ tiếp tục được tỉa trồng ra luống khác.
Bà Giao cho hay, hẹ là giống cây không chịu được hạn nên cần tưới nước đầy đủ, nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Lúc mới trồng, thực hiện tưới nước trung bình 3 lần/ngày, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì rút ngắn 2 lần/ngày, tránh tưới vào buổi trưa.
Quy trình sản xuất đã bảo đảm cho hẹ phát triển khỏe mạnh, cho ra sản phẩm hẹ sạch, đảm bảo chất lượng và được thị trường khá ưa chuộng. “Với việc mạnh dạn tiên phong chuyển đổi từ đất sản xuất lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng hẹ đã thu được hiệu quả cao từ cây trồng mới. Loại cây trồng này đang phát huy hiệu quả kinh tế tại xã Đức Chánh khi cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa”, bà Giao nói.
Mô hình liên kết rau hẹ sạch hữu cơ góp phần chuyển dịch giống cây trồng cho hiệu kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Vào năm 2019, trồng khoảng 2ha đến nay diện tích tăng lên 3ha với 22 hộ tham gia, hộ nhiều nhất gần 1 ha. Tính trung bình 25 – 30 nghìn đồng/kg, thu được 900 triệu đồng – 1,2 tỷ/năm/ha. Riêng hộ bà Giao giải quyết việc làm cho 7-9 lao động/năm, bình quân mỗi tháng thu nhập 4,5 triệu đồng.
- Chị Nguyễn Thị Loan phát triển mực tẩm doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm
Trên dọc tuyến đường đến thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn vị mặn mòi của biển hòa lẫn không khí tấp nập tàu thuyền, buôn bán của người dân. Chúng tôi đến thăm cơ sở mực tẩm bè Hùng Loan, đây là một trong những sản phẩm được thị trường tin dùng.
Sản phẩm mực tẩm bè Hùng Loan được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao
Chị Loan chia sẻ, phát huy nghề truyền thống, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương, cơ sở chế biến của chị đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh để nâng tầm sản phẩm, tăng doanh số.
Với phương châm đề cao chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giữ hương vị đặc trưng, trong quá trình chế biến, cơ sở Hùng Loan không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia để gây màu, gây mùi.... Năm 2022, sản phẩm mực tẩm bè của gia đình chị Loan được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Với 6 sản phẩm gồm: mực tẩm bè, mực tẩm thường, mực tẩm xé sợ, mực rim, mực bè xé sợi, mực tẩm loại 1. Hiện, sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng rất ưa chuộng.
“Nghề này đã đem lại thu nhập cho gia đình tôi doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động nữ ở địa phương, bình quân gần 4 triệu đồng/tháng”, chị Loan cho hay.
Cơ sở mực tẩm bè Hùng Loan đã được huyện Bình Sơn hỗ trợ 80 triệu đồng đầu tư máy móc, nâng cao sản lượng và chất lượng trong sản xuất.
- Chị Nguyễn Thị Tâm thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen
Nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của người dân, lại mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi mới, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có nhiều tiềm năng, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (58 tuổi) ở thôn An Phước, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành đã trở thành hộ chăn nuôi tiên phong trong lĩnh vực nuôi ốc bươu đen trên địa bàn xã.
Nhờ kĩ thuật nuôi và chăm sóc ốc bươu phát triển tốt
Nhận thấy ốc là món ăn được ưa chuộng trên thị trường với phương thức chế biến đa dạng, phù hợp với khẩu vị của nhiều khách hàng và có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao, tháng 5/2023, chị Tâm đã tận dụng vườn của gia đình làm 4 hồ nuôi, diện tích 450 mét vuông thả bèo nuôi ốc bươu đen.
“Thời gian đầu, tôi mua 48 nghìn con giống để nuôi thử. Lúc đó tỷ lệ sống đạt 50%, tôi cảm thấy như vậy là hài lòng và quyết định tiếp tục thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen và tự nhân giống ốc. Đến nay có 2 hồ nuôi ốc thương phẩm, 1 hồ ốc con, 1 hồ ốc đẻ. Ngoài ra còn có 2 hồ nuôi bèo”, chị Tâm cho biết.
Theo chị Tâm, thời gian đầu mới nuôi, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, nhưng sau đó, với sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác và trên internet, để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, chị Tâm thu trứng ốc đẻ ngoài ao để vào thùng ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên và thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn. Khi ốc đã nở đạt yêu cầu, chị đem thả xuống bèo, rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó ốc tự bò ra ngoài ao tìm thức ăn sinh sống nên cách nuôi ốc từ con nhỏ như vậy tỷ lệ ốc sống đạt trên 90%.
“Để nuôi ốc hiệu quả cần duy trì độ PH nước 6.5 trở lên và đảm bảo duy trì 2/3 mặt nước là bèo tây để làm mát và lọc nước. Loài vật này có nhiều ưu điểm như sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Nguồn thức ăn cho ốc thương phẩm khá rẻ và có thể tận dụng thức ăn thừa trong nhà, chủ yếu là: bèo tấm, bèo cái, mướp, bầu, bí… Đáng chú ý, ốc gia đình ông chủ yếu ăn thức ăn xanh nên thịt ốc khá dài, giòn ngon”, chị Tâm nói nói.
Tính đến thời điểm này, chị Tâm đã xuất bán 200kg ốc bươu thương phẩm, giá bán 70 – 75 nghìn đồng/ kg, ốc cỡ 45 con/kg là xuất bán. Dự kiến trong hồ còn khoảng 300kg ốc thương phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Phạm Văn, hiện nay, ốc bươu đen là món ăn nhiều dinh dưỡng được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, không tốn nhiều chi phí và là hướng đi bền vững giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. “Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình ông Lê Binh bước đầu thành công, đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc đa dạng hóa vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, mô hình này cần được xem xét và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương”, ông Văn cho biết thêm.
- Gương đảng viên phụ nữ dân tộc Hrê vươn lên thoát nghèo
Với bản tính cần cù chịu khó, không cam chịu đói nghèo, chị Đinh Thị Thả (SN 1991), người dân tộc Hrê, tại thôn Trung Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long là điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xứng đáng là tấm gương để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Chị Thả vươn lên phát triển kinh tế
Chị Thả chia sẻ, năm 2018, là thời điểm mới xây dựng gia đình, cuộc sống của hai vợ chồng chị gặp không ít khó khăn, vất vả, nhất là sau khi đứa con đầu lòng được sinh ra. Sau nhiều đêm trăn trở nghĩ làm cách nào đó để vượt qua đói nghèo trong cuộc sống, vợ chồng chị tìm tòi, học hỏi cách thức làm ăn để ổn định kinh tế gia đình từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Ban đầu, do chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên chị tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức. Có thêm kiến thức, chị cải tạo đất đồi để trồng cỏ, rau, … làm thức ăn cho vật nuôi. Trong chuồng, bình quân có 30 con heo lớn, nhỏ xoay vòng để bán. Từ đầu năm đến nay chị đã xuất bán 1 lứa heo thịt 9 con, thu về số tiền trên 40 triệu đồng. Hiện chị chuẩn bị xuất bán lứa thứ 2. Ngoài ra, trong chuồng hiện có 4 con bò.
“Trước kia gia đình tôi là hộ nghèo, được địa phương hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, tính đến nay đã được 5 bê con. Vợ chồng tôi còn có gần 1ha keo đã cho thu hoạch. Nhờ siêng năng, cố gắn làm ăn nên gia đình có thu nhập ổn định, đã thoát nghèo”, chị Thả nói.
Với nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Long, cùng với số tiền tích lũy được sau bao năm cố gắn vợ chồng chị Thả đã xây dựng được ngôi nhà khang trang.
Chị Thả hạnh phúc nói: “Kinh tế gia đình khấm khá hơn, nên tôi có điều kiện để chăm lo cho con cái học hành tốt hơn. Tình cảm gia đình cũng thêm vui vẻ, đầm ấm. Tôi sẽ cố gắng động viên chị em khác, cùng xóa đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng với chị em trong thôn, xã khẳng định những thay đổi lớn trong cách nghĩ cách làm của người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa”.
Chị Đinh Thị Hiêm, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Mai nhận xét, chị Đinh Thị Thả là một đảng viên gương mẫu, tấm gương phụ nữ chịu khó trong việc phát triển kinh tế, được bà con trong thôn, xã mến phục. Không chỉ tích cực giúp đỡ những hội viên đặc biệt khó khăn khác cùng vươn lên làm giàu chính đáng, chị luôn tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ xã tổ chức. “Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thả còn được chị em tin yêu, chị năng nổ nhiệt tình, giúp đỡ chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn chị, vươn lên trong cuộc sống. Ngoài công việc gia đình mình, chị thường xuyên tham gia các công tác và hoạt động Hội, tham gia sinh hoạt và các lớp tập huấn đầy đủ, chị là một hội viên nòng cốt gương mẫu của địa phương”, chị Hiêm cho hay.