Nỗ lực đưa đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế

21/08/2024
Sáng 21/8, TW Hội LHPN Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung (UTCTC) vào phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Cùng tham dự có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và đại diện các ban thuộc TW Hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại buổi làm việc

Tại Việt Nam, UTCTC là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc chuẩn theo độ tuổi năm 2020 khoảng 6.6/100.000 phụ nữ. Số ca mắc mới là 4.132 phụ nữ và số ca tử vong là 2.223 phụ nữ. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do UTCTC vào năm 2070.

Bệnh có thể phát triển qua nhiều năm, vì vậy bệnh phần lớn được thấy ở độ tuổi 40-70, nhưng cũng có thể thấy ở tuổi 20. So với các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ khác thì UTCTC là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm, khả năng khỏi bệnh cao, nếu bệnh tiến triển giai đoạn muộn điều trị khó khăn, tiên lượng xấu, bệnh có thể sàng lọc để phát hiện sớm. Tiên lượng bệnh nhân UTCTC phụ thuộc vào giai đoạn (GĐ) bệnh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở GĐ I trên 90%, GĐ II từ 60% đến 80%, GĐ III khoảng 50% và GĐ IV dưới 30%.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây ra bệnh UTCTC và một số bệnh khác như ung thư hậu môn, bộ phận sinh dục và ung thư hầu miệng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu nên thường dẫn đến nhiễm HPV dai dẳng hoặc tái diễn và đó chính là nguy cơ tiến triển thành UTCTC. Trong khi đó, chi phí điều trị UTCTC rất tốn kém.

Việc tầm soát và điều trị tiền ung thư cổ tử cung sẽ giúp ngăn ngừa thêm 470 ca tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2030, 48.821 ca vào năm 2070 và 68.783 ca vào năm 2120.

Tỷ lệ tiêm vaccine HPV và tỷ lệ khám sàng lọc UTCTC còn thấp (chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc); chỉ có 2 trong số 10 phụ nữ Việt Nam được tầm soát UTCTC trong vòng 5 năm trở lại. Hiện nay, vắc xin HPV chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như khám sàng lọc chưa được BHYT chi trả, mặt khác chi phí khám sàng lọc và tiêm ngừa cao (dao động 850.000 đồng đến 2.500.000 đồng cho 1 mũi tiêm, tùy vào loại vaccine, các dịch vụ kèm theo hoặc cơ sở y tế và một người cần tiêm 2 hoặc 3 mũi). Do đó, đây là nguyên nhân dẫn tỷ lệ tiêm ngừa HPV thấp.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư vú, UTCTC là 2 loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới hiện nay, trong đó ung thư cổ tử cung có tỉ lệ tử vong cao do bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Ung thư vú và UTCTC nếu dự phòng tốt, được phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tử vong.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết việc phát hiện, điều trị sớm UTCTC sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tử vong

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho rằng, phụ nữ được xem là người giữ lửa, giữ ấm, giữ gìn hạnh phúc mà sức khỏe không tốt thì gia đình đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để xã hội Việt Nam phát triển thì việc nhỏ nhất là chăm lo sức khỏe cho phụ nữ, do đó, thông qua buổi làm việc nhằm trao đổi, đề xuất với Bộ Y tế để cùng lên tiếng đảm bảo quyền lợi cho chị em cũng như thực hiện quyền và trách nhiệm của Hội là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Phó Chủ tịch mong muốn, tại buổi làm việc, hai cơ quan sẽ có những phân tích cụ thể, thấu đáo, thuyết phục để chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung (UTCTC) vào phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian tới, TW Hội sẽ có công văn về sự cần thiết, tính khả thi của chính sách để đề nghị đưa chính sách vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; thông tin nội dung vận động chính sách tới các nữ Đại biểu Quốc hội và một số Đại biểu Quốc hội là nam giới có sức ảnh hưởng trong thúc đẩy bình đẳng giới để vận động ủng hộ cho chính sách tại nghị trường; tích cực tuyên truyền về quá trình vận động chính sách. Bên cạnh đó, Hội LHPN các tỉnh, thành cũng sẽ vận động chính sách tại các cuộc làm việc với cấp uỷ, chính quyền, đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương và tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ có những ý kiến đề xuất chính sách tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương trước kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam chia sẻ công tác vận động chính sách của Hội LHPN Việt Nam

Theo ThS. BS. Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, tại Việt Nam, có 3 phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung: VIA (quan sát bằng mắt thường với axit axetic); tế bào cổ tử cung (Pap’s test) và xét nghiệm HPV (DNA). Trong đó, xét nghiệm HPV là phương pháp có độ đặc hiệu và độ nhạy cao. Ông chỉ ra rằng nếu thực hiện sàng lọc, Việt Nam có thể tiết kiệm được nhiều chi phí hữu hình và vô hình. Đưa chi phí sàng lọc vào danh mục BHYT có ảnh hưởng tới Quỹ tại thời điểm hiện tại, nhưng nếu thực hiện các biện pháp can thiệp thì tương lai bệnh không còn nữa - Quỹ BHYT không phải chi trả cho điều trị căn bệnh này.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn trong dự phòng và điều trị UTCTC. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những quan điểm về vấn đề xây dựng thể chế, chính sách nhằm đưa chi phí khám sàng lọc UTCTC vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo ThS. BS. Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em chia sẻ về các phương pháp sàng lọc UTCTC

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn gửi lời cảm ơn Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Y tế quan tâm, chăm sóc tốt tới sức khỏe của chị em phụ nữ. Ông cho rằng, đề xuất đưa tầm soát vào dự thảo Luật là hợp lý bởi về tính phổ cập, UTCTC rất phổ biến ở Việt Nam; đồng thời, việc tầm soát sớm sẽ giúp giảm tỷ lệ các ca tử vong do UTCTC gây ra. Bộ Y tế ủng hộ việc đưa nội dung này vào dự thảo Luật và sẽ tích cực tuyên truyền để người dân, cộng đồng hiểu hơn về những hiệu quả của việc sàng lọc sớm cũng như để các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn về chính sách. Để đánh giá chi phí hiệu quả, cân đối trong Quỹ BHYT, cần đánh giá khách quan hơn về độ tuổi tầm soát để đưa ra số liệu thống kê, số liệu sàng lọc hiệu quả, thuyết phục.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị, trước tiên tập trung vào chính sách liên quan đến UTCTC và giao cho các đơn vị liên quan của Bộ thực hện rõ chức năng, nội dung nhằm đưa thêm các chính sách mới vào trong Luật BHYT sửa đổi; tăng cường việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp lan tỏa chính sách, đồng thời tin rằng cùng sự phối hợp của Hội, việc đưa chi phí khám sàng lọc UTCTC vào phạm vi chi trả của Quỹ BHYT sẽ thành công.

 

* Công tác vận động chính sách của Hội LHPN Việt Nam:

- Năm 2021, Hội đã tiến hành Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “nghiên cứu tính khả thi nhằm đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục dịch vụ được Bảo hiểm Y tế chi trả”.

- Năm 2022, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng đã kết luận giao Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT thực hiện các mục tiêu CSSK nhân dân trong đó có mục tiêu tăng cường sàng lọc phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ;

- Năm 2023, tại Hội nghị “Biểu dương cán bộ Hội cơ sở giỏi toàn quốc”, đại diện Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi cũng đã báo cáo và đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục dịch vụ được Bảo hiểm Y tế chi trả với Thường trực Ban Bí thư. TW Hội đã phối hợp với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên gia đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả trong dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, thu hút được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng luật và y tế.

- Năm 2024, TW Hội phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế và Công ty Roche xây dựng tài liệu xây dựng tài liệu vận động chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả và tham gia đóng góp ý kiến cho ‘‘Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào phạm vi Bảo hiểm Y tế” do Bộ Y tế tổ chức.

- Tháng 7/2024, TW Hội tổ chức Hội thảo đề xuất chính sách tại Bắc Ninh nhằm thu thập thêm bằng chứng và tiếng nói của địa phương đối với đề xuất chính sách. TW Hội cũng đã xây dựng 01 clip truyền thông vận động chính sách với nội dung chất lượng, hình thức sinh động và tuyên truyền rộng rãi clip trên Báo Phụ nữ Việt Nam, trang fanpage của Hội và các nhóm zalo Hội từ TW đến địa phương.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video