Nội dung và cách thức triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của Hội LHPN Việt nam và đề xuất giải pháp

Tóm tắt
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là việc cụ thể hoá Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới với mục tiêu: “Phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo ra động lực mới nhằm phát huy cao nhất tinh thần dân tộc, giá trị nhân văn, truyền thống phụ nữ, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo và khả năng đóng góp của phụ nữ trong gia đình và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam, hướng tới xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Bài viết nêu rõ thực trạng nội dung và cách thức triển khai phong trào thi đua “Xây dựng Người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của các cấp Hội trong hơn 2 năm vừa qua, đồng thời đề xuất giải pháp để phong trào thi đua sớm đi và cuộc sống.
Từ khoá: Phong trào thi đua; phụ nữ Việt Nam; thời đại mới.
Abstract
The 13th National Women's Congress launched the emulation movement "Building Vietnamese Women of the New Era" in association with studying and following Ho Chi Minh's ideology, morality and lifestyle. This is the concretization of the documents of the 13th National Party Congress. At the same time, the movement promotes the Development Strategy of the Vietnam Women's Union to 2030, vision 2035 and mobilizes society to achieve gender equality with the goal of: "Launching patriotic emulation movements, campaigns, creating new momentum to promote the highest national spirit, humanistic values, women's traditions, aspirations to rise up, innovate and contribute to the family and all areas of social life". The emulation movement “Building Vietnamese Women of the New Era” aims to arouse pride in the fine traditions of Vietnamese Women, and to build the image and qualities of Vietnamese Women of the New Era. The article analyzes the content and implementation of the emulation movement “Building Vietnamese Women of the New Era” by the Women’s Union at all levels over the past 2 years, and proposes solutions for the movement to soon enter life.
Keywords: Emulation movement; Vietnamese women; new era.
1. Đặt vấn đề
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”; Người căn dặn: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”. Trong suốt những năm qua, việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành các Chỉ thị: (1) Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng giai đoạn mới "Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày"; (2) Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; (3) Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014, Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng bằng việc hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng như Luật Thi đua, khen thưởng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, tổ chức phát động thực hiện các PTTĐ yêu nước,... qua đó làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện và hưởng ứng tham gia phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước.
Trên cơ sở tổng quan về PTTĐ, bài viết tập trung làm rõ những kết quả đạt được, đánh giá những ưu điểm, thuận lợi, đồng thời chỉ ra hạn chế, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả PTTĐ ở giai đoạn tiếp theo. Phương pháp được sử dụng chủ yếu là nghiên cứu thu thập thông tin thứ cấp và tiến hành phân tích số liệu từ các báo cáo về thực hiện PTTĐ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; sử dụng số liệu thống kê, xuất bản phẩm, báo chí, tài liệu đã được công bố.
2. Tổng quan về phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”
Những năm mới thành lập, Hội đã phát động các phong trào “Phụ nữ học cày bừa”, phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội "ăn no đánh thắng"; phong trào thi đua “5 tốt”; phong trào "Ba đảm nhiệm"(Với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết - sau đó được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”). Bước sang thời kỳ đổi mới, để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, Hội tiếp tục phát động các phong trào thi đua và các cuộc vận động: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (1978), “Ngày tiết kiệm vì phụ nghèo” (nhiệm kỳ 1992 - 1997), "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước", “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các cuộc vận động: "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" (phát động năm 1989; đến nhiệm kỳ 1992 - 1997 điều chỉnh thành “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình), "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học" (từ nhiệm kỳ 1987 - 1992), “Xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo” (từ nhiệm kỳ 2008), “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (phát động năm 2010); “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” (từ nhiệm kỳ 2017 - 2022).
Trong 20 năm (4 nhiệm kỳ) vừa qua, các cấp Hội đã triển khai thực hiện PTTĐ “Phụ nữ Việt Nam tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trải rộng bao trùm từ lao động đến học tập và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là PTTĐ rất quen thuộc, gần gũi với cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cấp Hội có nhiều kinh nghiệm thực hiện. Nội dung PTTĐ bao trùm, lan toả trong các tầng lớp phụ nữ và trong phạm vi toàn quốc; dễ tuyên truyền, có nhiều nội dung để hướng dẫn, truyền tải. Tuy nhiên, kết quả chưa thật sự tương đồng với thời gian triển khai, PTTĐ chưa có điểm nhấn, điểm nổi trội để trở thành “thương hiệu” của Hội, không thật sự nổi bật, có nét đặc biệt so với một số PTTĐ của một số tổ chức chính trị - xã hội khác[1]. Việc hiểu nội hàm của phong trào thi đua nhiều nơi, nhiều lúc khiên cưỡng vì “học tập”, “lao động sáng tạo”, “xây dựng gia đình hạnh phúc” là những lĩnh vực gọi được tên cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng và rộng nghĩa.
Để việc triển khai, thực hiện PTTĐ của các cấp Hội đổi mới, rõ nét kết quả; đáp ứng sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phù hợp thực tế, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện PTTĐ “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, PTTĐ nhằm hướng tới xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với bốn tiêu chí: (1) có tri thức; (2) có đạo đức; (3) có sức khỏe; (4) có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Nội hàm của các tiêu chí có thể được hiểu là: (1) Có tri thức là: có trình độ học vấn, chuyên môn nghề phù hợp với yêu cầu công việc; có kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân và gia đình; có hiểu biết cơ bản về đời sống xã hội; có khả năng áp dụng kiến thức mới, cải tiến hoặc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công việc và thực tiễn cuộc sống. (2) Có đạo đức là: công dân tốt, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; có các phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam; giữ gìn uy tín cá nhân, làm gương cho người thân trong gia đình và cộng đồng; ứng xử có văn hoá, phù hợp với các quy tắc đạo đức, quy ước, quy định của địa phương, đơn vị, tổ chức. (3) Có sức khỏe là: có sức khỏe; có tinh thần lạc quan; có lối sống lành mạnh, tích cực; vận động những người xung quanh cùng rèn luyện sức khỏe, tham gia thể dục thể thao, văn hóa - văn nghệ; tham gia bảo hiểm y tế. (4) Có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước là: có gia đình hạnh phúc, không vi phạm pháp luật; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, tham gia có trách nhiệm các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước; sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh; tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đối với cán bộ Hội: ngoài việc đáp ứng các tiêu chí nêu trên phải có kiến thức, khả năng làm công tác phụ vận giỏi; đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; năng động, sáng tạo, tiên phong hành động vì quyền lợi và hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em.
Như vậy, PTTĐ “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” đã tiếp nối kết quả của PTTĐ “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”đã thực hiện trong 20 năm qua. Tuy nhiên, nội hàm các tiêu chí của PTTĐ “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” hướng vào bản thân người phụ nữ là chính, thay đổi theo hướng nâng về chất và đặt ra yêu cầu cao hơn đối với người phụ nữ, không chỉ đánh giá về quá trình, mà còn đánh giá về kết quả thực hiện. Cách thức tổ chức phong trào là giao quyền chủ động cho các cấp Hội địa phương cụ thể các tiêu chí PTTĐ phù hợp với yêu cầu điều kiện văn hoá của từng địa phương.
3. Thực trạng và kết quả triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” từ năm 2022 đến nay
Sau Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Ban Chấp hành đã giao Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội nghiên cứu ban hành hướng dẫn để các cấp Hội triển khai thực hiện PTTĐ. Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội hực hiện một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua trong từng cấp Hội, cụ thể hóa nội dung các văn bản hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm đối tượng, địa bàn, đặc thù văn hóa và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; tham mưu cấp ủy, chính quyền lồng ghép thực hiện nội dung phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cùng các phong trào thi đua đang thực hiện tại địa phương. Hàng năm phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp phụ nữ gắn với các hoạt động, kỷ niệm ngày lễ; đối với những địa phương đã phát động phong trào thi đua, cần bổ sung nội dung cho phù hợp; lựa chọn nội dung và phát động các đợt thi đua ngắn hạn, dài hạn, thi đua đặc biệt, đột xuất theo yêu cầu thực tế; đồng thời phát động thi đua của năm sau gắn với dịp tổng kết phong trào thi đua của năm trước.
Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu về nội dung phong trào thi đua để vận động phụ nữ, hội viên tham gia với phương châm “mỗi cán bộ Hội là một tuyên truyền viên” gắn với phát huy vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí, cổng thông tin điện tử, trang website, fanpage của Hội các cấp. Xây dựng đa dạng sản phẩm, tài liệu truyền thông. Chủ động, kịp thời phát hiện, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua ở mỗi cấp.
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các chương trình, đề án, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trên các lĩnh vực, đặc biệt là về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; các hoạt động giáo dục truyền thống cho phụ nữ; các hoạt động về nguồn, các hoạt động xã hội từ thiện; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn, quan tâm cộng đồng xã hội; kết nối các trường hợp cần hỗ trợ, quan tâm phụ nữ, trẻ em khó khăn, khuyết tật; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi quần chúng với vai trò nòng cốt, dẫn dắt của cán bộ Hội… nhằm tạo điều kiện, môi trường hỗ trợ hội viên, phụ nữ tích cực tham gia thực hiện các nội dung phong trào thi đua có hiệu quả.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và triển khai lồng ghép các nội dung phong trào thi đua của Hội vào phong trào thi đua vào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động mọi nguồn lực và đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp thực hiện hiệu quả phong trào thi đua.
Thứ năm, xây dựng tiêu chí đánh giá, bình xét và lựa chọn gương điển hình trong thực hiện phong trào thi đua ở cấp tỉnh, huyện, cơ sở và hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể tại địa phương, đơn vị. Hàng năm, tổ chức đánh giá, bình xét thi đua đối với các cá nhân, tập thể và tổ chức giao lưu, liên hoan, biểu dương các gương điển hình ở các cấp độ khác nhau.
Như vậy, PTTĐ là hình thức hoạt động có tổ chức để chuyển tải các nhiệm vụ chính trị thông qua các nội dung, biện pháp và phương thức phù hợp, nhằm động viên các tập thể và cá nhân tích cực tham gia; là hoạt động có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ở mọi lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đề ra, khác biệt với các phong trào quần chúng nói chung thường mang tính thời điểm, tự phát. PTTĐ đạt được kết quả tốt hay không, có tạo được sự lan tỏa rộng rãi hay không, đòi hỏi vai trò quan trọng của tổ chức lãnh đạo phong trào trong việc tạo sự đoàn kết, hợp tác, đồng thuận giữa các cá nhân, tập thể tham gia thực hiện PTTĐ, đặc biệt là khơi dậy được sự tự nguyện, tự giác tham gia của các tập thể, cá nhân. Muốn có được kết quả tốt, PTTĐ phải thực sự hiệu quả, góp phần vào thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội cũng như nhiệm vụ chính trị tại địa phương; cần có các giải pháp cụ thể, khoa học để triển khai thực hiện hiệu quả PTTĐ; PTTĐ cần phải phù hợp với đối tượng và mục đích để lôi cuốn sự tham gia, hưởng ứng tích cực của hội viên, phụ nữ. Để tổ chức tốt phong trào thi đua thì phải hướng tới mục tiêu nâng cao cả chất lượng và số lượng.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh, thành, đơn vị đã nghiên cứu cụ thể hoá, xác định mục tiêu của PTTĐ của các cấp Hội, điều chỉnh kế hoạch toàn khóa phù hợp để thực hiện, 100% tỉnh, thành, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện PTTĐ đến các cấp Hội địa phương (đã gửi kế hoạch về Trung ương Hội để báo cáo và theo dõi thực hiện). Qua khảo sát, nhiều tỉnh, thành, đơn vị đã cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí thi đua, cách thức, phương pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, vừa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo hội viên, phụ nữ tại địa phương; sáng tạo, đổi mới, thiết thực trong lựa chọn các nội dung, tiêu chí PTTĐ để phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện hướng đến xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Một số Hội LHPN tỉnh, thành đã lồng ghép, cụ thể tiêu chí PTTĐ trong thực hiện các phong trào tại địa phương vừa tạo nguồn lực vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, rèn luyện năng lực, khả năng sáng tạo của các cấp Hội: “Xây dựng người phụ nữ Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; “Xây dựng người phụ nữ Hải Dương tự tin, nhân ái, năng động, sáng tạo, có khát vọng phát triển”; “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới, yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”; “Xây dựng người phụ nữ Quảng Ngãi nghĩa tình, đoàn kết, có tri thức, năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác cao, thân thiện, có ý thức bảo vệ môi trường”; “Xây dựng người phụ nữ Khánh Hòa năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên”; “Phụ nữ Công an bản lĩnh, nhân văn, kỷ cương, trách nhiệm vì An ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc gia đình”; “Xây dựng người phụ nữ Đồng Tháp đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo”; Xây dựng người phụ nữ Sơn La đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”… Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND về tổ chức thực hiện PTTĐ "Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt". Trong đó, đối tượng tham gia PTTĐ là cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp; tập thể là các sở, ban, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói PTTĐ được tổ chức, hội viên phụ nữ tích cực tham gia xác định: (1) mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung và tiêu chí, thời gian, kế hoạch, biện pháp tổ chức PTTĐ; (2) phát động, triển khai, thực hiện PTTĐ; (3) kiểm tra, giám sát PTTĐ; (4) tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, duy trì và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động có hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo; (5) sơ kết, tổng kết và khen thưởng,... Việc thực hiện các tiêu chí PTTĐ được lồng ghép, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, các cấp Hội triển khai dưới nhiều hình thức, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Một số tỉnh, thành chủ động phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện PTTĐ trong toàn tỉnh, thực hiện các mô hình/công trình/phần việc lồng ghép với PTTĐ tại địa phương, đơn vị. PTTĐ được các tỉnh, thành sáng tạo, vận dụng linh hoạt triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ bản nắm được nội dung chính của PTTĐ và hưởng ứng, tham gia. Thực tế ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tuyên truyền về nội hàm các tiêu chí của PTTĐ thông qua các hoạt động hội thảo, tập huấn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; hướng dẫn các hoạt động hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ rèn luyện, thực hiện các tiêu chí thông qua hoạt động thường xuyên của Hội. Công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các gương phụ nữ điển hình tiên tiến, các mô hình mới, việc làm tốt, cách làm hay tiếp tục được chú trọng thông qua phối hợp với các ban, ngành và các cơ quan truyền thông (Hà Nội: 1.200 điển hình; Bắc Giang: 668 điển hình; Sóc Trăng: 218 điển hình; Hậu Giang 749 điển hình; Gia Lai 1.011 điển hình; Bến Tre: 107 tập thể, 224 cá nhân điển hình trên các lĩnh vực; Ban Phụ nữ Công an nhân dân tuyên dương 20 gương “Phụ nữ công an tiêu biểu”, biểu dương 63 nữ công an cơ sở xuất sắc trong toàn lực lượng Công an nhân dân). Trong 2 năm, đã có hơn 45 nghìn điển hình tập thể, cá nhân được tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng; hơn 15 nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu được các cấp Hội biểu dương, khen thưởng và đề nghị các cấp khen thưởng trong thực hiện PTTĐ.
Qua theo dõi, khảo sát kết quả thực hiện PTTĐ trong toàn quốc sau gần 03 năm thực hiện cho thấy tiêu chí “có tri thức”, “có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước” được cho là tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt là việc đánh giá mức độ thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, chưa thống nhất, khó khăn; chậm trong đánh giá khen thưởng, biểu dương... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện PTTĐ chưa sâu, chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng miền, đối tượng; vẫn còn một số tỉnh, thành chưa cụ thể hóa được nội dung tiêu chí rõ ràng, phù hợp với thực tế địa phương; có nơi hội viên, phụ nữ chưa biết, chưa nhớ tên phong trào, cá biệt có nơi vẫn báo cáo việc đang triển khai thực hiện PTTĐ nhiệm kỳ trước của Hội... Mặt khác, ở một số nơi năng lực cán bộ Hội còn hạn chế, ngại thay đổi, chưa ưu tiên nghiên cứu để tham mưu tốt, thuyết phục được sự quan tâm tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương; nguồn lực đầu tư cho công tác thi đua còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành còn hình thức, chung chung; việc triển khai thực hiện PTTĐ và hoạt động Hội ở một số tỉnh, thành chưa thực sự hiệu quả; nhận thức của một số hội viên, phụ nữ còn hạn chế nên chưa quan tâm, chưa tham gia thực hiện PTTĐ hoặc chưa có điều kiện để biết đến PTTĐ. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu nghèo, các giai tầng phụ nữ đa dạng với các nhu cầu khác nhau của từng vùng miền, lứa tuổi, dân tộc; phụ nữ cùng lúc tham gia hoạt động của nhiều tổ chức chính trị - xã hội cũng tác động không nhỏ đến việc tham gia thực hiện PTTĐ của Hội.
4. Kết luận và khuyến nghị
Những hạn chế nêu trên do: Đây là một PTTĐ với các tiêu chí, nội hàm mới, đa dạng, phong phú về cách nhận thức, cách thức triển khai, nội hàm các tiêu chí rộng, cần có thời gian để tiếp cận thực hiện. Các tiêu chí “có tri thức”, “có đạo đức”, “có sức khỏe”, “có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước” khó định lượng, mang tính chất tương đối, nhiều mức độ, nhiều yêu cầu khác nhau, tương ứng với bối cảnh, điều kiện cụ thể, đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị, mỗi đối tượng phụ nữ. Bên cạnh đó, việc thực hiện PTTĐ “Phụ nữ Việt Nam tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trải qua 4 nhiệm kỳ đã thành thói quen, lối mòn, nên việc thực hiện phong trào mới cũng cần có thời gian để xác định nội dung, phương thức đánh giá phù hợp, hiệu quả. Mặt khác, ở một số nơi năng lực cán bộ Hội còn hạn chế, ngại thay đổi, chưa ưu tiên nghiên cứu để tham mưu tốt, thuyết phục được sự quan tâm tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương; nguồn lực đầu tư cho công tác thi đua còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành còn mang tính hình thức, chung chung; việc triển khai thực hiện PTTĐ và hoạt động Hội ở một số tỉnh, thành chưa thực sự hiệu quả; nhận thức của một số hội viên, phụ nữ còn hạn chế nên chưa quan tâm, chưa tham gia thực hiện PTTĐ hoặc chưa có điều kiện để biết đến PTTĐ. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu nghèo, các giai tầng phụ nữ đa dạng với các nhu cầu khác nhau của từng vùng miền, lứa tuổi, dân tộc; phụ nữ cùng lúc tham gia hoạt động của nhiều tổ chức chính trị - xã hội cũng tác động không nhỏ đến việc tham gia thực hiện PTTĐ của Hội.
Nhằm khắc phục được những hạn chế nêu trên, để PTTĐ thực sự trở thành động lực khích lệ, động viên hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên, khát vọng cống hiến góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đất nước là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội. Do vậy, cần:
(i) Tổ chức phổ biến sâu, rộng, phù hợp nội dung các tiêu chí của PTTĐ đến cán bộ, hội viên, phụ nữ gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, trên các trang mạng xã hội; tận dụng các sự kiện, chương trình lồng ghép nội dung, cách thức thực hiện PTTĐ.
(ii) Đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức PTTĐ trong các tầng lớp phụ nữ; chú ý nâng độ phát triển đồng đều của PTTĐ ở các vùng miền, khu vực, các đối tượng đặc thù ít có cơ hội tiếp cận với PTTĐ do đặc thù ngành nghề, địa bàn sinh sống, công tác, trình độ nhận thức, quan niệm, định kiến ở địa phương....;
(iii) Có các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai PTTĐ để hội viên, phụ nữ tham gia PTTĐ tự nguyện, vui vẻ, không bị áp lực, không khiên cưỡng; tạo môi trường để hội viên, phụ nữ thực hiện tốt 4 tiêu chí của PTTĐ, rèn luyện, hoàn thiện bản thân có đủ các tiêu chuẩn, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Họ phải thấy PTTĐ thiết thực, phù hợp và tham gia thực hiện, từ đó thu hút họ tham gia tổ chức Hội, hoạt động Hội, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.
(iv) Quan tâm việc giám sát và đánh giá công tác/cách thức chỉ đạo triển khai PTTĐ để kịp thời khắc phục hạn chế, phát hiện, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng mô hình điểm, các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu; chú trọng tổng kết và phổ biến nhân rộng điển hình… Trên cơ sở đó giúp cho việc đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác chỉ đạo triển khai PTTĐ.
Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng và triển khai thực hiện PTTĐ.
(v) Việc đánh giá kết quả triển khai, thực hiện PTTĐ là rất cần thiết, đòi hỏi phải có cách thức rõ ràng; phù hợp với từng đối tượng, địa phương cụ thể, không phức tạp, hoặc thêm việc không cần thiết cho cán bộ Hội. Công tác thi đua khen thưởng cần được quan tâm, cải cách, trong đó có sự đánh giá, khen thưởng việc thực hiện PTTĐ; chú trọng công tác phát hiện những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay từ PTTĐ để biểu dương, tôn vinh, lan tỏa ý nghĩa của PTTĐ trong cộng đồng và xã hội; thực hiện hiệu quả PTTĐ chính là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ XIII.
(6) Kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội làm công tác TĐKT đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua khen thưởng; phân cấp, phân quyền chủ động trong công tác tham mưu triển khai thực hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. (2023). Quyết định số 1796/QĐ-BCH ngày 04/5/2023 ban hành Quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ban Chấp hành Trung ương. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật.
Bộ Chính trị. (2014). Chỉ thị số 34, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
Chính phủ. (2023). Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 1, tr.169.
Đỗ Thúy Phượng. (2010). Hoàn thiện pháp luật thi đua, khen thưởng ở Việt Nam. [Luận văn Thạc sĩ]. Hà Nội.
Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam (2020). Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” giai đoạn 2015 -2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Số: 598/BC-ĐCT của Hội LHPN Việt Nam.
Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam (2020). Báo cáo tổng kết việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019. Số 451/BC-ĐCT ngày 27/12/2019.
Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam (2022). Hướng dẫn số 06/HD-ĐCT ngày 7/9/2022 về việc hướng dẫn thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Dương Thị Thanh. (2007). Đổi mới quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương. [Luận văn Thạc sĩ]. Hà Nội.
Hội LHPN các tỉnh, thành (2021- 2022). Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.
Hội LHPN Việt Nam (2017). Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Nxb Phụ nữ.
Hội LHPN Việt Nam (2022). Báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào thi đua năm 2022.
Hội LHPN Việt Nam (2022). Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Phụ nữ.
Hội LHPN Việt Nam (2023). Báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào thi đua năm 2023.
Hội LHPN Việt Nam (2023). Kết quả khảo sát thực tế tại 3 tỉnh/thành Sơn La, Long An, Nghệ An và khảo sát trực tuyến (online) trên phạm vi 63 tỉnh/thành, đơn vị. Hội LHPN Việt Nam (2020), Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Hội LHPN Việt Nam. (2020). Nghiên cứu đề xuất định hướng yêu cầu đối với Phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện trong giai đoạn hiện nay”.
Hội LHPN Việt Nam. (2020). Nghiên cứu đề xuất nội dung và cách thức thực hiện phong trào thi đua của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ XIII.
Hội LHPN Việt Nam. (2022). Nghiên cứu đề xuất tiêu chí đánh giá phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Phùng Ngọc Tấn. (2016). “Pháp luật về thi đua, khen thưởng ở Việt Nam hiện nay”. [Luận án tiến sĩ].
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2022). Luật Thi đua, khen thưởng (06/2022/QH15) của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trần Thị Hà. (2013). Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. [Đề tài khoa học cấp Nhà nước].