Nữ giảng viên đại học người khuyết tật viết tiếp ước mơ mang lại lợi ích cho phụ nữ, trẻ em gái
Thành công là thế nhưng Tố Trâm lại tâm đắc nhất với công việc thúc đẩy ngành Công tác xã hội và Xã hội học để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về khả năng và quyền của người khuyết tật (NKT).
Vì cộng đồng người khuyết tật
Sống và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại là người khiếm thị nhưng Tố Trâm đã vượt qua mọi rào cản để đến trường. Cô cho biết, nếu như bạn bè dành 8 tiếng để học thì cô phải dành gấp đôi thời gian đó, bằng việc thức khuya dậy sớm vì đôi mắt khiếm thị của mình. Sau khi vất vả tốt nghiệp phổ thông, cô thi đỗ Cao đẳng Sư phạm nhưng bị từ chối với lý do giáo viên không được bị dị tật. Không bỏ cuộc, Tố Trâm đã thi vào ngành Công tác xã hội (Đại học Đồng Tháp) và cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp năm 2010.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thấu cảm với những người đồng cảnh là NKT, Trâm đã làm việc cho chương trình "Sống độc lập" do Hiệp Hội Chăm sóc Con người Nhật Bản tài trợ. Sau đó cô chuyển công tác về Hội LHPN Tp. Cần Thơ làm ở vị trí nhân viên chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị buôn bán sang nước ngoài. Với những nỗ lực hoạt động vì NKT, Tố Trâm được bầu vào Ban chấp hành Hội NKT Tp.Cần Thơ.
Trong những năm làm việc tại Hội, Tố Trâm đã đứng ra thành lập CLB Phụ nữ khuyết tật và CLB Người điếc. Qua các hoạt động của CLB, đã giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng NKT. Được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội NKT, Tố Trâm đã tích cực hỗ trợ công việc quản lí nhân sự, phụ trách tư vấn trợ giúp pháp lí, tập huấn cho sinh viên về kỹ năng hỗ trợ NKT, tập huấn Luật NKT và nâng cao năng lực cho NKT là lãnh đạo…
Tố Trâm và bà Bùi Thị Hồng Nga (bên trái) - Nguyên Chủ tịch Hội NKT Tp.Cần Thơ - người đã tiếp lửa và trao cơ hội bình đẳng trong giáo dục giúp cô quyết tâm đi du học tại Úc
Có thể nói trong suốt 8 năm làm công việc vì NKT, Tố Trâm đã dấn thân phục vụ người hưởng lợi, đặc biệt cô luôn trau dồi chuyên môn và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Dù công việc luôn luôn bận rộn và đôi khi áp lực vì lượng công việc khá lớn, sức khoẻ yếu nhưng cô vẫn dành thời gian học tiếng Anh để theo đuổi ước mơ đi du học nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ và nhận thức về an sinh xã hội.
"Đến 2017 được sự động viên của cô Bùi Thị Hồng Nga - nguyên Chủ tịch Hội NKT TP.Cần Thơ, tôi đã nộp hồ sơ ứng tuyển Chương trình học bổng AAS của Australia. Khi nhận được thông tin trở thành người nhận học bổng, áp lực đến với tôi càng cao. Trong vòng 2 tháng, tôi đã nỗ lực hoàn thành các dự án còn dang dở, hướng dẫn và bàn giao công việc trước khi đến Đại học RMIT học tiếng Anh để chuẩn bị đi du học. May mắn, tôi đã đạt chứng chỉ IETLS sau 9 tháng chinh phục để lên đường sang nước bạn".
Tố Trâm nhận chứng nhận "Người đạt giải thưởng của học bổng Chính Phủ Úc" năm 2018
Chinh phục được học bổng, Tố Trâm lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn một mình nơi đất khách. Cùng với đó là việc phải vật lộn với tiếng Anh để nghiên cứu học thuật mỗi ngày. Đến năm 2019, dịch Covid-19 ập đến khiến cả thế giới rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, nhất là những du học sinh như Tố Trâm.
"Lúc đó, tôi phải cố gắng xây dựng và rèn luyện tinh thần kiên trì, khả năng ứng phó với những thay đổi và tinh thần tích cực lạc quan để có thể hoàn thành tốt chương trình học. Bên cạnh đó, sự tích cực trong công tác xã hội và hỗ trợ các sinh viên khuyết tật cùng khoá đã giúp tôi vừa học vừa ứng dụng kỹ năng vào thực hành và mở rộng các mối quan hệ với bạn bè quốc tế", Tố Trâm chia sẻ.
Làm nên những điều tự hào
Theo chia sẻ của Tố Trâm, hiện nay cô đang làm công việc dịch tài liệu tập huấn cho các Tổ chức phi chính phủ (NGO) và dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo, con của NKT. Cô cũng vừa nhận được quyết định công nhận kết quả thi tuyển vị trí giảng viên bộ môn Xã hội học - khoa Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Cần Thơ).
Được biết, hiện tại Tố Trâm đang có cuộc sống rất ấm áp với người chồng làm công nghệ thông tin và 1 cô con gái kháu khỉnh được 3 tháng tuổi
Lần lượt chinh phục mọi ước mơ và khát vọng, cô gái khiếm thị cuối cùng cũng tự hào trang bị cho mình một hành trang không hề nhỏ. Nhìn lại những năm tháng đầu tiên sống với khát vọng vươn cao, vươn xa, Tố Trâm không khỏi bồi hồi: "Cuộc sống hồi nhỏ thật sự khó khăn khi nhìn anh chị em của mình phải nghỉ học đi làm phụ gia đình, chỉ mình tôi được đi học. Lúc đó, tôi tự nhủ rằng mình cần học luôn phần của anh chị. Vì chỉ có học tập mới có cơ hội đổi đời, mới tìm được hướng đi tương lai tốt đẹp hơn và chỉ có học mới thực hiện được ước mơ của mình. Rồi khi đi làm cũng khá vất vả, có khi phải đi hơn 60km để đón những thành viên khuyết tật trong chương trình "Sống độc lập" đi học hoặc đi làm, rồi có khi phải bồng bế, cõng các chị lên lầu 3 mặc dù lúc đó sức khoẻ cũng không hề tốt".
Nỗ lực vì bản thân một, nỗ lực vì người khác gấp đôi, cho đến nay, Tố Trâm vẫn không khỏi tự hào bởi đã làm hết khả năng của mình để mang lại lợi ích cho phụ nữ, trẻ em gái, NKT, giúp họ nhận ra quyền của mình, họ được nâng cao năng lực và có nhiều cơ hội để hoà ngập xã hội. Và cùng với đó là sau hơn 8 năm làm việc miệt mài, cô đã chinh phục được tấm bằng Thạc sĩ tại Úc, nơi cô từng ước mơ được sinh sốngvà học tập.
Chia sẻ về mong muốn của mình đối với cộng đồng, Tố Trâm cho biết, cô muốn thúc đẩy mạnh mẽ ngành công tác xã hội, ngành xã hội học và thúc đẩy giáo dục hoà nhập để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là NKT, nhất là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, có được sự bình đẳng cơ hội trong giáo dục và việc làm.