Nữ sinh dân tộc Mông bản Trống Tông làm nên “điều không tưởng”

Ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - nơi cách Hà Nội hơn 8 tiếng đi đường, 80% các gia đình dân tộc Mông đều nghèo, nhiều cô gái học hết THCS là nghỉ ở nhà lấy chồng, sinh con. Vậy mà vừa qua, Hảng Thị Lỳ ở bản Trống Tông đã xuất sắc giành được suất học bổng 1,5 tỷ cho khóa cử nhân học bằng tiếng Anh tại trường Đại học quốc tế RMIT. Bà con ở bản Trống Tông, gọi đó là “điều không tưởng”.
Hảng Thị Lỳ sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông thuần nông nghèo. Bố mẹ Hảng Thị Lỳ năm nay mới ngoài 40 tuổi, nhưng đã có 5 con, Lỳ là con thứ 3. Bố Lỳ học hết tiểu học còn mẹ Lỳ không đến trường mà chỉ học qua lớp xóa mù chữ.
Mỗi ngày, bố mẹ Lỳ đều lên nương làm rẫy từ sáng sớm tới tối mịt. Đường lên rẫy vừa xa vừa khó đi, mùa khô còn đi được xe máy, mùa mưa chỉ có thể đi bộ. Xa trung tâm, gia đình Lỳ và nhiều bà con dân tộc Mông khác ở Trống Tông chủ yếu sống theo kiểu tự cung, tự cấp, có gì ăn nấy. Ngoài chút lúa, khoai, ngô tự trồng, nhà Lỳ nuôi được mấy con gà, lợn… Tuy nhiên, bữa cơm hàng ngày chủ yếu chỉ có cơm và… rau, rất hiếm khi có thịt, tới mức, Lỳ gọi vui gia đình mình là “gia đình thuần chay”.
Vào những tháng trước Tết này, bà con dân tộc Mông ở bản Trống Tông có thêm công việc hái thảo quả và táo mèo mang xuống chợ bán. Mỗi lần Lỳ cùng bố mẹ vào rừng, gùi trĩu lưng quả cũng chỉ được thu được dăm chục ngàn vì giá một kg táo mèo chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng. Nhưng, đó cũng là mùa duy nhất mà gia đình Lỳ còn làm ra được tiền.
Hảng Thị Lỳ đang bắt đầu khóa học tiếng Anh dự bị trước khi chính thức bước vào học chuyên ngành (Lỳ và thầy giáo Dominic Reed)
Cũng ở bản Trống Tông, trẻ em gái đa phần chỉ học hết cấp 2 là nghỉ hoặc lấy chồng. Bằng tuổi Lỳ, nhiều bạn đã là mẹ của một đàn con. Chỉ có một số ít học tiếp lên cấp 3, trong đó có Lỳ.
Lỳ chia sẻ, hồi còn học tiểu học và THCS, buổi sáng tới trường, buổi chiều Lỳ lên nương rẫy giúp bố mẹ. Tối đến, Lỳ mới có thời gian học bài. Ngày đó, nhà Lỳ chẳng có đủ ánh sáng điện nên Lỳ học bằng chiếc đèn pin đeo trán. Không có tiền mua sách giáo khoa, Lỳ mượn sách của trường rồi cuối năm trả lại.
Điều kiện học chỉ có thế, nhưng 3 trong 4 năm học THCS, Lỳ đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sau đó, Lỳ nằm trong top 55 học sinh có thành tích cao nhất của huyện Mù Cang Chải trúng tuyển vào trường PTDT Nội trú THPT Miền Tây, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Trường ở cách nhà 100km, 3 năm học cấp 3, mỗi năm Lỳ chỉ được về nhà một, hai lần. Nhớ gia đình, nhưng Lỳ không bỏ cuộc vì nghĩ mình cần phải học lấy con chữ để thoát nghèo. Bố mẹ Lỳ không được học cao, nhưng lại luôn định hướng, khuyến khích các con phải đi học. Cũng nhờ vậy mà đến nay, gia đình Lỳ cũng là một trong số rất ít gia đình ở bản có tới 4 cô con gái đều đã học hết cấp 3, chị gái lớn của Lỳ cũng đã tốt nghiệp Đại học Nội Vụ.
Hảng Thị Lỳ nhận học bổng của đại học RMIT
Nhờ thành tích cao trong học tập ở bậc THPT, (năm lớp 11, Lỳ đã giành được học bổng Vallet với số tiền thưởng khoảng 10 triệu đồng) Lỳ trúng tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, do bố mẹ không có tiền để nuôi nhiều con cùng lúc đi học xa nhà nên Lỳ đành phải nghỉ học. Lỳ cùng chị gái thứ 2 xuống Hà Nội học nghề tại REACH, tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Học phí được miễn, còn tiền sinh hoạt phí của hai chị em đến từ tiền học bổng Vallet mà Lỳ để dành từ năm lớp 11 và đi làm thêm. 3 tháng sau, hai chị em tốt nghiệp và đi làm.
Lỳ bán hàng mỹ phẩm ở Hà Nội nhưng vẫn đau đáu mong ước sẽ được đi học đại học. Cách đây 1 năm, Lỳ biết tới học bổng của trường đại học RMIT, nhưng không dám nộp hồ sơ vì thấy trình độ tiếng Anh của mình chỉ là con số 0. Từ đó, ngày đi làm, tối về Lỳ tự học thêm tiếng Anh. Sau 1 năm miệt mài, Lỳ trở lại “đường đua”. Chí học của một cô gái dân tộc Mông sống ở địa bàn gần như nghèo nhất ở Mù Cang Chải đã giúp Lỳ giành chiến thắng tuyệt đối với số tiền học bổng 1,5 tỷ đồng cho toàn bộ khóa học cử nhân bằng tiếng Anh tại trường RMIT. Ngoài học phí, Lỳ còn được nhận trợ cấp hàng tháng 11 triệu đồng để trả chi phí ăn ở.
Email xác nhận cấp học bổng của trường đến khi Lỳ đang ở nhà một mình. Lỳ đã giữ bí mật và dành tin tức tuyệt vời này làm món quà mừng thọ bà nội 80 tuổi vào ngày hôm sau. Sau đó, tin Lỳ được cấp học bổng nhanh chóng lan xa. Ngày hôm sau, gặp ai trên đường, Lỳ cũng nhận được lời chúc mừng kèm ngưỡng mộ.
Hiện nay, Lỳ đang học dự bị tiếng Anh trước khi bước vào học chuyên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT. Ngoài tiếng Anh, Lỳ còn tự học thêm tiếng Trung và ôn luyện thêm tiếng Việt vì có nhiều từ phổ thông, cô gái dân tộc Mông này chưa biết hết. Lỳ nói vui, cô đang phải học 3 ngoại ngữ cùng một lúc. Tuy nhiên, Lỳ tự tin mình sẽ không thua kém các bạn đến từ địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn. Lỳ còn có ước mơ lớn hơn nữa là sẽ giành được cơ hội trao đổi sang Australia một năm vì Lỳ muốn được bước ra thế giới.
Lỳ tâm sự, ở bản Trống Tông nhiều người dân tộc Mông vẫn còn suy nghĩ con gái không cần học lên cao. Nhiều bạn gái H’Mông cũng an phận với cuộc sống nghèo khó. Vì thế, Lỳ muốn truyền cảm hứng và động viên các cô gái hãy nỗ lực vươn lên. Còn Lỳ, sau này học xong, sẽ trở về để giúp đỡ bản làng mình, người dân tộc Mông của mình có cuộc sống khấm khá hơn.
Tết sắp đến, Lỳ đang mong lắm được trở về nhà sau chuỗi ngày đi xa dài. Ở bản Trống Tông, Tết cổ truyền của người dân tộc Mông vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống. Nếu như người Kinh ăn bánh Chưng trong ngày Tết thì người dân tộc Mông không thể thiếu bánh Dày. Tết nào, Lỳ cũng cùng mẹ giã bánh Dày. Lỳ cũng giỏi thêu trang phục truyền thống của người dân tộc Mông từ khi mới học tiểu học. Bây giờ, học ở một môi trường quốc tế, nhưng Lỳ rất tự hào khi được mọi người nhận ra mình là con gái dân tộc Mông.
Ở bản Trống Tông, Lỳ nói vui, mình là cô gái “già” nhất bản mà chưa lấy chồng, sinh con nhưng Lỳ lại đang có những bước tiến xa nhất.