Phát huy dân chủ, đa dạng hóa hình thức góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

15/05/2025
Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn

Theo dòng lịch sử lập hiến của nước ta, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong những bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa và hội nhập, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trở thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật sáng ngày 13/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình này. Trong đó, việc đa dạng hóa hình thức góp ý sửa đổi Hiến pháp được nhấn mạnh là khâu then chốt, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm Hiến pháp thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Sau hơn một thập kỷ thực hiện, Hiến pháp năm 2013 đã chứng minh vai trò là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Tuy nhiên, tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ. Nhu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững, bảo vệ quyền con người và quyền công dân đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp 2013. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và cách làm phù hợp để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp một cách khoa học, hiệu quả, sát thực tiễn và bảo đảm tính ổn định của nền tảng pháp lý quốc gia".

Đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến Nhân dân - Thể hiện thực chất quyền làm chủ

Một trong những nội dung trọng tâm được Tổng Bí thư chỉ đạo là: phải đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến Nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp. Việc này không chỉ giúp mở rộng dân chủ, mà còn là cách để kết tinh trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của Nhân dân với vận mệnh đất nước. Theo đó, các hình thức góp ý cần được tổ chức rộng khắp, phong phú và phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng như:

- Lấy ý kiến trực tuyến thông qua các nền tảng số, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, báo chí chính thống;

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, góp ý tại nơi cư trú, nơi làm việc;

- Qua các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố;

- Khuyến khích hình thức sáng tạo như cuộc thi tìm hiểu, diễn đàn góp ý, nhóm nghiên cứu chuyên đề, đặc biệt thu hút thanh niên, sinh viên, kiều bào;

- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu lớn để tổng hợp, phân tích, phản ánh đầy đủ ý kiến của mọi tầng lớp Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phải có cơ chế để Nhân dân trực tiếp tham gia, đóng góp ý kiến thực chất, hiệu quả. Tránh hình thức, chiếu lệ. Cần công khai quá trình tiếp thu, giải trình để người dân thấy ý kiến của mình được trân trọng”.

Phát huy vai trò của báo chí, mạng xã hội và hệ thống chính trị cơ sở

Để bảo đảm sự lan tỏa và tạo môi trường thuận lợi cho toàn dân tham gia góp ý, Tổng Bí thư chỉ đạo phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò tiên phong của:

- Báo chí, truyền thông, nền tảng số trong công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung sửa đổi Hiến pháp;

- Cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lắng nghe, tập hợp và phản ánh trung thực ý kiến từ cơ sở;

- Tổ chức cơ sở Đảng, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... trong việc chủ động tổ chức lấy ý kiến, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân tham gia góp ý.

Đồng thời, cần có giải pháp kỹ thuật, pháp lý và chính sách phù hợp để bảo vệ quyền góp ý kiến, chống lại thông tin sai lệch, xuyên tạc, phá hoại quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không chỉ là công việc của các nhà lập pháp hay cơ quan Nhà nước, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đa dạng hóa hình thức góp ý là con đường để từng người dân thực hiện quyền làm chủ, thể hiện niềm tin và sự gắn bó với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Hiến pháp là sản phẩm trí tuệ và ý chí của toàn dân. Mỗi ý kiến góp ý đều là một viên gạch xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển đất nước trong tương lai”.

Hội LHPN Việt Nam đã và đang tích cực tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ, hội viên, cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp, đơn vị trực thuộc và các tổ chức thành viên; chuyên gia, cộng tác viên, nhà khoa học… nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết; thể hiện ý chí, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận trong hội viên, phụ nữ nói riêng và các tầng lớp Nhân dân nói chung về việc hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Ban CSLP, TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video