Phát huy vai trò Hội LHPN các cấp hỗ trợ người có uy tín, chức sắc tôn giáo vận động thực hiện bình đẳng giới vùng DTTS

07/08/2024
Đây là đề xuất của PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại, về việc phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới khu vực dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.
PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại, chia sẻ tại một hội thảo. Ảnh PVH

PV: Vị trí, vai trò xã hội của Người có uy tín, Chức sắc, Chức việc các tôn giáo có những đặc thù gì trong đời sống cộng đồng vùng DTTS, miền núi, thưa ông?

- PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Những "người có uy tín", "chức sắc, chức việc" các tôn giáo ở khu vực DTTS và miền núi là thành viên của cộng đồng các tộc người, được cộng đồng tôn vinh, suy tôn đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của nhiều vùng quê.

Hiện nay, "người có uy tín" trong đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là: Già làng (người cao tuổi trong làng, bản, buôn phum sóc...), Trưởng bản (người đứng đầu một thiết chế xã hội truyền thống), là Trưởng dòng họ (người đứng đầu một một thiết chế xã hội mang tính thân tộc - gồm nhiều gia đình quan hệ thân thiết, gần gũi. Cạnh đó còn có các vị Hành nghề tín ngưỡng dân gian (Thầy cúng, Thầy mo, Thày tào...), hoặc những người đỗ đạt, quan chức thanh liêm về sinh sống tại cộng đồng (những người có học thức, hiểu biết, gần dân...).

Về các vị "chức sắc, chức việc", trong cộng đồng các tộc người thiểu số theo một số Tôn giáo ở nước ta còn có các vị "chức sắc", "chức việc" là các vị "chức sắc" trong đạo Phật vùng dân tộc Khmer, trong đạo Hồi và đạo Bà la môn vùng dân tộc Chăm...; các vị Giám mục, Linh mục, Phó tế (trong Công giáo); các vị Mục sư nhiệm chức, mục sư trưởng lão (trong đạo Tin lành), các vị Từ lễ sanh, Giáo hữu, Giáo sư (trong đạo Cao đài)...

Người có uy tín, Chức sắc, Chức việc các tôn giáo trong đời sống cộng đồng các tộc người thiểu số có vai trò và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Trong đời sống gia đình, người có uy tín có tiếng nói, vai trò điều hành, giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm với con cháu trong gia đình mình và các gia đình xung quanh trong thực hiện các nếp sống theo luật tục xã hội.

Trong dòng họ, người có uy tín có tiếng nói, điều hành các sinh hoạt dòng họ về giỗ chạp, cúng tổ họ; điều hành hoặc được xin ý kiến tham vấn về các vấn đề quan hệ xã hội trong đời sống, trong hôn nhân, ma chay... và các quan hệ khác. Bên cạnh đó, họ là người cung cấp tri thức, góp phần điều hành các hoạt động kinh tế chung (ruộng họ, phân cắt con họ sản xuất làm nghĩa vụ với họ...) hoặc trên tinh thần tương thân, tương ái giữa các gia đình trong họ khi gặp khó khăn...

Trong đời sống cộng đồng, với tư cách cá nhân hay thành viên của Hội đồng già làng "người có uy tín" có vai trò tham góp ý kiến để đưa ra các quyết định liên quan đến luật tục nhằm điều hành các quan hệ xã hội, kinh tế, văn hóa... Họ có tiếng nói và vai trò trong đời sống hàng ngày và đời sống tâm linh.

Người có uy tín, chức sắc tôn giáo chia sẻ tại một hội thảo phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới khu vực DTTS, miền núi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức

- PV: Để phát huy vai trò của những "người có uy tín", "chức sắc, chức việc" các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì chính quyền cơ sở và Hội LHPN các cấp cần phải làm gì?

- PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn... quan trọng đối với phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng không chỉ trong lĩnh vực "Giới" mà cả trong "Chính sách dân tộc", "Công tác dân tộc" thời kỳ phát triển kinh tế thị trường.

Theo đó, chính quyền địa phương và Hội LHPN các cấp cần tập trung:

Thứ nhất, cần xây dựng Danh sách những người tiêu biểu "người có uy tín" trong cộng đồng DTTS; "chức sắc, chức việc" các tôn giáo có kế hoạch tham vấn, phối hợp hoạt động nhằm phát huy vai trò nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới ở các địa phương.

Thứ 2, cần xây dựng xây dựng Kế hoạch, Chương trình làm việc, hợp tác, nội dung tham vấn đối với từng nhóm đối tượng: Với "Người có uy tín trong cộng đồng DTTS"; và "Chức sắc, chức việc các tôn giáo" ở địa phương... trong việc sinh hoạt chuyên đề, hoặc lồng ghép vào các sinh hoạt cộng đồng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, nếp sống mới, thực hiện nội dung các CTMTQG, trong sinh hoạt của các Tôn giáo ở địa phương... liên quan đến bình đẳng giới.

Thứ 3, tạo điều kiện về tài liệu, cơ sở vật chất cần thiết, cơ chế chính sách động viên kịp thời để sử dụng một cách hiệu quả vai trò, vị thế của "người có uy tín" trong cộng đồng DTTS; "chức sắc, chức việc" các tôn giáo nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động bình thực hiện đẳng giới ở các địa phương.

Thứ 4, phát huy vai trò của Mặt trận, Hôi LHPN các cấp và các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện để "người có uy tín" trong cộng đồng DTTS; "chức sắc, chức việc" các tôn giáo phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới ở các địa phương.

Thứ 6, hàng năm, Cấp uỷ, Chính quyền cùng Hội LHPN các cấp, tổ chức các cuộc Hội nghị, Tổng kết và định kỳ... ghi nhận công trạng và tôn vinh người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới ở các địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo: http://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video