Phụ nữ Hà Lăng nỗ lực bảo tồn điệu múa chiêu

10/10/2024
Múa chiêu là điệu múa mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Hà Lăng (nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại Kon Tum. Điệu múa gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội truyền thống.
Các nghệ nhân làng Đăk Đe (Rờ Kơi, Xa Thầy, Kon Tum) cùng nhau tập luyện điệu múa chiêu truyền thống

Xã Rờ Kơi (Xa Thầy, Kon Tum) nằm giáp ranh với nước bạn Lào và cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 60km. Đây là một trong những khu vực đông người Hà Lăng sinh sống. Dân làng nơi đây rất tự hào về điệu múa của dân tộc mình – múa chiêu. Bởi lẽ, điệu múa mang nét đặc trưng và sức hấp dẫn không thua kém gì điệu múa xoang của các chị em dân tộc khác trên mảnh đất Tây Nguyên. Khi tiếng cồng chiêng, tiếng trống vang lên, các cô gái Hà Lăng múa chiêu duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống, uyển chuyển với những động tác nhịp nhàng, đơn giản mà độc đáo đã tạo nên một vẻ đẹp đầy quyến rũ, mộc mạc…

Theo quan niệm của người Hà Lăng, múa chiêu là điệu múa được thể hiện trong đám ma hay lễ hội như lễ mừng cơm mới, lễ mừng sức khỏe cộng đồng… Đây là điệu múa nghi lễ từ thời xa xưa, biểu hiện sự thành kính của dân làng đối với các vị thần linh. Múa chiêu được xem như hồn dân tộc và là cách giao tiếp của con người với thần linh, tổ tiên, ông bà. Hầu hết những phụ nữ Hà Lăng ở xã Rờ Kơi đều biết múa chiêu. Không chỉ người già mà những thiếu nữ mới lớn cũng nhip nhàng, điêu luyện theo điệu chiêu trong các mùa lễ hội.

Điệu múa chiêu gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội truyền thống người Hà Lăng

Theo chỉ dẫn người dân, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Y Run (Rờ Kơi, Xa Thầy, Kon Tum), bà đã gắn bó với điệu múa chiêu từ nhỏ đến lớn. Nghệ nhân Y Run chia sẻ: Từ nhỏ khi thấy các bà, các mẹ múa chiêu, bà đã rất say mê điệu chiêu. Bà thường theo mẹ đến các lễ hội trong làng để quan sát rồi tự học theo. Năm lên 10 tuổi, ngoài các nhịp chiêu quen thuộc như đón khách, mừng lúa mới…, bà còn thuộc lòng những bài múa chiêu trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như gieo hạt, trỉa lúa, làm cỏ.

Nghệ nhân Y Run cho biết, kỹ thuật múa chiêu không khó nhưng đòi hỏi người múa phải tập trung cao độ, biết cảm âm, kết hợp nhịp nhàng giữa múa và giai điệu ngân vang của tiếng chiêng, tiếng trống. Những người mới tập muốn thành thạo thì cần chú ý cách di chuyển đôi chân, mũi bàn chân luôn phải điều chỉnh nhịp nhàng, phải hòa điệu với nhịp chiêng và trống.

Các động tác chân của 2 bài chiêu trong đám ma và trong lễ hội không thay đổi nhưng các động tay lại khác nhau hoàn toàn. Điệu chiêu trong lễ hội, người phụ nữ dù xoay về hướng nào, hai cánh tay cũng giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau. Nhưng ở bài chiêu đám ma, hai tay người múa phải dang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn. Các động tác tay không khó nhưng các nghệ nhân cũng phải mất nhiều thời gian phân tích, hướng dẫn kỹ lưỡng để cho dân làng không bị nhầm lẫn.

Còn theo nghệ nhân Y Thui, ở làng Đăk Đe (Rờ Kơi, Xa Thầy, Kon Tum), múa chiêu phải có cồng chiêng đệm theo, múa nhịp nhàng, múa nhịp nhanh chậm theo tiếng chiêng, tiếng trống. Vào những dịp lễ hội, chính quyền vận động cả làng tranh thủ tập luyện vào buổi tối. Thời gian ban ngày, bà con phải lên rẫy. Đây cũng là cách người dân Hà Lăng nỗ lực cùng chính quyền địa phương truyền dạy và bảo tồn điệu múa chiêu độc đáo này.

Các đội múa chiêu được tổ chức khá chặt chẽ, số thành viên luôn là số chẵn, mỗi đội có từ 10 - 16 người tham gia. Khi hòa cùng với nhịp chiêng, thanh la và trống trong các lễ hội truyền thống thì múa chiêu luôn chậm rãi, khoan thai.

Phụ nữ Hà Lăng nỗ lực bảo tồn điệu múa chiêu của dân tộc mình

Trang phục múa chiêu có những đặc trưng riêng. Vậy nên khi biết múa chiêu, đa số các nghệ nhân đều dạy cho con cháu mình cách dệt đồ truyền thống. Những chiếc váy, chiếc áo dài tay màu đen, màu xanh được gọi là "Trah" cùng những đường viền được thêu đơn giản, tinh tế. Vật dụng không thể thiếu trong điệu chiêu là tấm khăn choàng thổ cẩm đa màu sắc được những người phụ nữ trong làng tự dệt.

Bà Y Chít - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những năm qua, từ già làng, trưởng thôn đến các nghệ nhân ở địa phương luôn tích cực duy trì việc tổ chức lễ hội và chăm lo truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu cho thế hệ trẻ.

"Hàng năm địa phương đều tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ cho thế hệ trẻ với mong muốn giữ gìn những văn hóa truyền thống của cha ông. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho đội cồng chiêng tham gia các hội thi, hội diễn, khuyến khích bà con gìn giữ các điệu chiêu truyền thống, xã còn mở thêm nhiều lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu cho thanh niên", bà Y Chít cho biết thêm.

Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video