Phụ nữ Hậu Giang sáng tạo khởi nghiệp, làm giàu từ đặc sản địa phương
- Nâng tầm giá trị trái dứa
- Thu nhập cao với dưa Kim Hồng Ngọc
Hưởng ứng cuộc vận động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Trần Thị Liễu ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là người tiên phong và thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất từ trồng lúa sang trồng dưa Kim Hồng Ngọc, tăng thu nhập vượt trội.
Với diện tích 7 ha đất lúa của gia đình, mỗi năm gia đình chị Liễu trồng 2 vụ dưa Kim Hồng Ngọc, bình quân mỗi vụ dưa chỉ kéo dài khoảng 3 tháng tính từ khi làm đất, xuống giống đến thu hoạch, trừ chi phí, thu về hàng trăm triệu đồng.
Chị Liễu cho biết: “So với các loại dưa khác thì chi phí đầu tư cho dưa Kim Hồng Ngọc như nhau nhưng lợi nhuận cao hơn rất nhiều và đầu ra cũng ổn định. Ngay vụ đầu tiên (dưa tết) giá bán 50.000đ/kg, gia đình chị thu về khoản lợi nhuận 380 triệu đồng.
Với ưu thế là loại dưa mới, có hình dáng và màu sắc đẹp, tên gọi hay, dưa ăn giòn, ngọt, bảo quản lâu nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là vào dịp tết, đầu ra luôn ổn định, có lúc không đủ bán. Khả năng nhân rộng để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh rất tốt.
Dưa được thu hoạch, làm sạch đóng thùng chuyển cho thương lái
Chị Đỗ Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Phú, đánh giá: Mô hình trồng dưa Kim Hồng Ngọc của hội viên Trần Thị Liễu đạt hiệu quả kinh tế khá cao và có triển vọng phát triển, nhân rộng. Vừa qua, Hội đã vận động chị Liễu mạnh dạn tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Qua cuộc thi này sẽ giúp cho chị có thêm nhiều cơ hội để quảng bá mô hình, học tập thêm kinh nghiệm để phát triển mạnh mẽ hơn mô hình.
Được biết, gia đình chị cũng vừa thu hoạch vụ dưa Kim Hồng Ngọc thứ hai trong năm nay với năng suất rất cao, đạt 1 tấn/ngày, khả năm thu hơn 80 tấn/vụ, với giá bán được bao tiêu 14.000 đồng/kg dự kiến lợi nhuận sau chi phí trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng dưa của chị Liễu còn góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho từ 15-20 lao động ở địa phương, trong đó phần đông là lao động nữ.
Nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao nên chị Liễu cũng mong muốn mở rộng diện tích dưa thông qua việc liên kết thêm nhiều hộ hội viên phụ nữ trồng màu trên đất lúa lân cận đó để có nguồn dưa dồi dào hơn đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp chị em cùng nhau phát triển kinh tế.
- Nâng tầm giá trị trái dứa
Sáng tạo sản phẩm từ nguyên liệu trái khóm (dứa) sẵn có ở địa phương, chị Trần Phương Trang thành viên Tổ hợp tác khóm sấy dẻo ấp 9, xã Vĩnh Viễn A tạo sản phẩm khóm sấy dẻo cung cấp ra thị trường, đã và đang được người dùng ưa chuộng, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của trái khóm đồng vừa tạo việc làm, thu nhập cho chị em phụ nữ ở địa phương.
Chị Trần Phương Trang đại diện THT tại điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại tỉnh
Chị Trang cho biết, so với giá khóm tươi bán bình quân ra thị trường thấp, không ổn định, thời điểm giá hiện tại chỉ từ 13.000đ đến 15.000đ/ trái loại 1 (từ 1,1kg trởn lên); trái loại 2 và 3 chỉ từ 5.000đ đến 10.000đ/trái (từ 1kg trở xuống), lợi nhuận sau chi phí rất thấp. Trong khi đó, sản phẩm khóm sấy dẻo cho lợi nhuận cao gấp 2 lần so với bán khóm tươi.
Chị Trang cho biết thêm: Thông thường, khóm trồng đạt loại nhất mới bán được giá cao cho thương lái, còn khóm loại 2, loại 3 thương lái mua giá rất thấp, chúng tôi chọn trái khóm loại 2, loại 3 bán để chế biến ra sản phẩm khóm sấy dẻo. Bình quân 10kg khóm tươi, trị giá 100.000đ sẽ thu được 1kg sản phẩm sấy dẻo, với giá bán 240.000đ/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 80.000đ- 100.000đ/ kg tương đương 20 -30 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân10 chị tham gia từ 2- 3 triệu đồng/ tháng. Lợi ích của việc làm ra các sản phẩm khóm sấy dẻo không chỉ giúp nâng giá bán của trái khóm loại 2, loại 3 mà còn góp phần khắc phục tình trạng ứ đọng khóm khi thương lái không thu mua, ép giá.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Như, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, trên địa bàn xã có trên 500 ha khóm, số hộ hội viên trồng khóm chiếm khoảng 70%, do đó việc nâng cao giá trị kinh tế của cây khóm sẽ góp phần nâng cao đời sống chị em. Tạo điều kiện cho tổ hoạt động tốt hơn, hội đã đề nghị hội cấp trên hỗ trợ 5 triệu đồng cho tổ mua máy móc, nguyên liệu sản xuất; tạo điều kiện cho 2 thành viên tiếp cận vốn vay 20 triệu đồng/người để mua cây giống, phân bón…
Công đoạn sản xuất khóm sấy dẻo 4- THT Khóm sấy dèo Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, Hậu Giang
Hiện tại, tổ hợp tác đang hướng giới thiệu sản phẩm ra thị trường qua kênh quảng bá tại các sự kiện, hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử - kênh bán hàng online của tỉnh,…bình quân mỗi tháng xuất bán khoảng 300kg. Vào các dịp lễ, tết thì lượng hàng bán ra tăng hơn gấp nhiều lần. Triển vọng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất đang tạo cơ hội cho chị em phụ nữ cơ hội việc làm, thu nhập ổn định.