Phụ nữ Hưng Yên xử lý rác thải bằng phương pháp IMO giúp giảm 47% lượng rác thải hữu cơ ra môi trường
Để triển khai thực hiện có hiệu quả khâu đột phá “Phụ nữ Hưng Yên tham gia bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vì tỉnh Hưng Yên phát triển bền vững” do Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra, các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên tham gia bảo vệ môi trường; đăng ký các công trình/phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới với cấp ủy, chính quyền các cấp; triển khai có hiệu quả cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, triển khai thí điểm mô hình Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch ở xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường: Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, 10 hộ liền kề, nhà sạch - vườn đẹp, nhà sạch - ngõ sạch, phế liệu sạch, phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon và rác thải nhựa dùng một lần, trồng cây xanh, trồng đường cây, đường hoa phụ nữ…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được các cấp Hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các nền tảng mạng xã hội: Tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, hướng dẫn làm chế phẩm vi sinh IMO, tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa, trồng cây xanh, trồng và chăm sóc đường hoa, tuyên truyền về các hoạt động của Hội tham gia bảo vệ môi trường ... trên 93 trang fanpage, 426 nhóm facebook, 1.339 nhóm zalo của các cấp Hội từ tỉnh tới cơ sở, chi hội phụ nữ ... Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn theo nhóm, theo cộng đồng: Thông qua các buổi hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt; hướng dẫn thực hành công nghệ sản xuất chế phẩm IMO để xử lý rác thải hữu cơ...
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên với công tác bảo vệ môi trường được nâng lên, đều đặn hàng tuần, hàng tháng 835/835 chi hội đều tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia Ngày Chủ nhật Xanh - sạch - đẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng, chăm sóc tuyến đường cây, đường hoa góp phần bảo vệ môi trường. Các cấp Hội trồng đường cây phụ nữ, duy trì chăm sóc trên 400 đoạn/tuyến đường hoa với chiều dài trên 265 km và gần 165 đoạn, đường cây xanh với chiều dài gần 110km để hưởng ứng Tết trồng cây, nhớ ơn Bác Hồ.
Mô hình thu gom pin thải của Hội LHPN xã Toàn Thắng, huyện Kim Động
Xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường
Triển khai Đề án “Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2023-2026 (Đề án 178), Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với sở Tài Nguyên và Môi trường, các ngành chức năng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện Đề án tại 258 thôn thuộc 129 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 218 lớp tập huấn, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, hướng dẫn hội viên tự sản xuất ra chế phẩm IMO từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: nước, men tiêu hóa, đường, chuối, sữa chua, mem rượu… cho 25.800 hộ gia đình thuộc các thôn, của 129 cơ sở thực hiện Đề án; các cấp Hội từ huyện đến cơ sở tổ chức gần 800 buổi tập huấn, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ và nhân dân hướng dẫn làm chế phẩm vi sinh IMO.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ, Hội LHPN tỉnh cấp phát 316 thùng xử lý rác hữu cơ tập trung cho 236 thôn của 118 xã thực hiện Đề án; 298 thùng thu gom pin tại 129 xã thực hiện Đề án; các địa phương. Bên cạnh việc hỗ trợ men vi sinh (IMO hoặc Emuniv) cho các hộ dân để xử lý rác, UBND một số huyện còn hỗ trợ thùng để các hộ gia đình đựng rác, xử lý rác lấy nước tưới cho cây trồng, vệ sinh chuồng trại vật nuôi.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội LHPN, đã có 63.298/90.198 = 70,2% hộ gia đình đăng ký thực hiện Đề án đã thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, trong đó có 62.593 hộ = 69,4% thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO và men vi sinh khác. Số lượng rác thải ra môi trường ở những đơn vị thực hiện Đề án đã giảm, trung bình giảm khoảng 47% rác hữu cơ ra môi trường. Từ nguồn rác hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm IMO đã cung cấp một lượng phân bón hữu cơ, từng bước thay thế cho phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, giúp cây trồng phát triển tốt, bền vững, đồng thời cải tại hệ vi sinh vật có lợi, giúp tơi xốp đất, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn.
Định kỳ Hội LHPN tỉnh bố trí thu gom pin đã qua sử dụng tại các địa phương để mang đi xử lý tập trung đúng quy định, đến nay toàn tỉnh đã thu gom được trên 600 kg pin mang đến điểm xử lý tập trung tại Thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Nhà sạch, ngõ sạch” tại 97/161 cơ sở Hội, đã có 22.595 hộ gia đình đạt các tiêu chí của mô hình được gắn biển; thành lập mô hình “Tuyến đường không rác” tại 17 chi hội phụ nữ thuộc huyện Văn Lâm; triển khai mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” tại 21 cơ sở Hội; duy trì và nhân rộng các mô hình về vệ sinh môi trường như: 10 hộ liền kề (tại 278 chi hội), Đoạn đường phụ nữ tự quản (1.119 đoạn), chi hội Xanh - Sạch - Đẹp (815), chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới (95), Phế liệu sạch (123 chi hội), 80 CLB PN hạn chế sử dụng túi nilon, 47 CLB Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần … tại các cơ sở Hội.
Các mô hình Phế liệu sạch, CLB phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, CLB phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần với nhiều “sứ mệnh” khác nhau đã được các địa phương sáng tạo, phù hợp với hoạt động, phong trào tại địa phương góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon và rác thải nhựa dùng một lần. Hàng năm, số tiền thu được từ các mô hình thu gom phế liệu được các cấp Hội trao tặng cho hàng nghìn phụ nữ, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương…
Chị Trần Ngọc Anh - Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên cho biết: “Các CLB Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần của Hội LHPN xã Bảo Khê -TP Hưng Yên duy trì đều đặn việc thu gom rác thải nhựa, phế liệu trong khu dân cư mỗi tháng 1 lần, trung bình được 3 đến 4 triệu đồng/tháng, toàn bộ số tiền này dùng để hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương”.
Với những hoạt động phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung, các hoạt động bảo vệ môi trường của các cấp Hội LHPN tỉnh Hưng Yên triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động của Hội, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường cảnh quan ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt tập trung hỗ trợ, xây dựng, nhân rộng các mô hình phụ nữ phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở 161/161 cơ sở Hội góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.