Phụ nữ nông thôn thích ứng nhanh trong thời đại 4.0
"Phụ nữ bảo vệ thiên nhiên vì tương lai của chúng ta" là chủ đề của ngày Quốc tế phụ nữ nông thôn (15/10) năm nay.
Nhân dịp này, PNVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thị Bích Quỳnh - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn), về những cơ hội và thách thức mà phụ nữ nông thôn đang phải đối mặt.
PV: Bà đánh giá thế nào về vai trò của phụ nữ nông thôn trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam?
TS. Vũ Thị Bích Quỳnh: Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành. Năm 2023, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Phụ nữ nông thôn Việt Nam đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung đó. Trong sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động trong nông nghiệp lên tới gần 50%. Với đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù, sáng tạo, họ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Không dừng ở việc sản xuất, họ còn tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng, từ khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Trong thời đại 4.0, phụ nữ nông thôn đã chứng tỏ khả năng thích ứng nhanh chóng. Họ không ngừng học hỏi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, tham gia các lớp đào tạo về kỹ năng kinh doanh và thu được kết quả khích lệ.
Những đóng góp tích cực của phụ nữ nông thôn đã làm thay đổi nhận thức xã hội về họ. Từ hình ảnh người phụ nữ quanh quẩn với việc nhà, phụ nữ nông thôn ngày nay đã trở thành những chủ thể kinh tế năng động, có tiếng nói trong cộng đồng. Họ không chỉ là những người lao động mà còn là nhà quản lý, doanh nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của nông thôn.
PV: Những thách thức nào đang đặt ra với phụ nữ nông thôn, thưa bà?
TS. Vũ Thị Bích Quỳnh: Dù có nhiều tiến bộ nhưng phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Khó khăn trong tiếp cận tín dụng để đầu tư sản xuất; hạn chế về giáo dục và đào tạo khi nhiều phụ nữ nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, có trình độ học vấn thấp, khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ mới còn hạn chế. Trong khi đó, định kiến giới vẫn tồn tại, làm hạn chế cơ hội phát triển của phụ nữ. Gánh nặng công việc gia đình, công việc chăm sóc không được trả lương khiến nhiều phụ nữ ít có thời gian cho bản thân và các hoạt động xã hội. Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phụ nữ nông dân.
PV: Vậy theo bà, cần có những chính sách gì để phát huy tiềm năng của phụ nữ nông thôn?
TS. Vũ Thị Bích Quỳnh: Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, theo tôi, có một số giải pháp cần thiết vào lúc này.
Thứ nhất là mở rộng cơ hội giáo dục và đào tạo, tăng cường các chương trình giáo dục phổ cập, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của phụ nữ nông thôn, ưu tiên các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, kinh doanh và kỹ năng sống.
Thứ hai là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, đầu tư vào hạ tầng nông thôn, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, gia tăng vai trò của kinh tế tuần hoàn, kinh tế "xanh", tạo việc làm cho phụ nữ.
Thứ ba là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình hoạch định chính sách, đảm bảo các chính sách có tính đến nhu cầu và quyền lợi của phụ nữ.
Thứ tư, cần mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nông thôn, đa dạng hóa các hình thức tín dụng, tăng cường vai trò của các tổ chức tài chính vi mô, các trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng, ưu tiên cho vay đối với các dự án do phụ nữ làm chủ. Xây dựng mạng lưới hỗ trợ, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tạo điều kiện cho phụ nữ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ năm là thay đổi nhận thức cộng đồng, tăng cường truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, khuyến khích sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình; đồng thời xây dựng các mô hình dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em, người già để giảm gánh nặng việc nhà, tạo điều kiện để phụ nữ nông thôn có thêm thời gian tham gia các hoạt động xã hội.
Tóm lại, để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ nông thôn, chúng ta cần những chính sách toàn diện, tập trung vào việc hỗ trợ về tri thức, sức khỏe, tài chính và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Khi các rào cản xã hội được xóa bỏ, được đảm bảo các cơ hội phát triển, phụ nữ nông thôn sẽ có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ và gia đình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!