Quảng Nam: 8500 phụ nữ nghèo được trao phương tiện sinh kế

21/03/2023
Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã tích cực huy động nguồn lực, trao phương tiện sinh kế cho 8.500 phụ nữ nghèo với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng; triển khai và duy trì hiệu quả 289 mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế như “Heo đất nhà ta”, “Heo đất lòng vàng”, “Heo đất tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”... thu hút 10.496 phụ nữ tham gia...
Hội LHPN tỉnh tuyên dương Những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu giai đoạn 2017-2022

Những năm qua, kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều khởi sắc, bảo đảm an ninh lương thực dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Tuy nhiên, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa bền vững; năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của phụ nữ còn khó khăn, do đó cần nỗ lực hiện thực hóa chủ trương tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phụ nữ tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn bền vững thông qua các phong trào thi đua và cuộc vận động

Hội LHPN tỉnh thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách, các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, xem đây là hoạt động ưu tiên gắn với phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hoạt động “Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, Hội triển khai thực hiện CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với chỉ tiêu mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ ít nhất 05 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” hoặc “5 có, 3 sạch”; đăng ký ít nhất một công trình/phần việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vận động chị em chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất tăng giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, gắn công nghiệp chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đã có nhiều phụ nữ khởi nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường; đa dạng hóa ngành nghề và hoạt động tạo thu nhập, bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo bền vững. Phối hợp với Ban chỉ đạo nông thôn mới cùng cấp và ngành liên quan, tuyên truyền, nâng cao nhận thức kịp thời cung cấp những thông tin về các cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho lao động nữ, phát triển du lịch nông thôn….

Đến nay, các cấp Hội đã huy động nguồn lực, trao phương tiện sinh kế cho 8.500 phụ nữ nghèo với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng; triển khai và duy trì hiệu quả 289 mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế như “Heo đất nhà ta”, “Heo đất lòng vàng”, “Heo đất tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”... thu hút 10.496 phụ nữ tham gia. Phối hợp tổ chức truyền thông cho 4.000 lượt phụ nữ về chuyển đổi nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi. Vận động, kết nối nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã có nữ tham gia quản lý. Ngoài ra, Hội còn nâng cao hiệu quả hoạt động với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn với nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động tín dụng, nhờ đó chất lượng ủy thác qua Hội luôn đạt 6 nhất (dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số dư tiết kiệm lớn nhất; số lượng người vay cao nhất, số lượng tổ tiết kiệm vay vốn đạt loại tốt cao nhất và số thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất).

Tiếp tục là nguồn nhân lực lớn trong xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững, gắn với việc thực hiện phong trào thi đua, CVĐ của Hội, tạo sự chuyển biến tích cực đến cuộc sống của phụ nữ và người dân ở nông thôn. Đẩy mạnh triển khai hoạt động “Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp thực tiễn. Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, gắn với Chương trình OCOP và Chương trình du lịch nông thôn, giúp phụ nữ nông thôn hiểu và tiếp cận thêm cơ hội trong phát triển kinh tế về du lịch nông thôn. Tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy vai trò trong sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn để xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Vận động, phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo về sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường…

Phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để cải thiện điều kiện sống, giúp phụ nữ vươn lên ổn định cuộc sống. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở các cấp Hội. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông thôn đảm bảo sinh kế bền vững cho phụ nữ và người dân; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh, bảo đảm môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng nông thôn.

Minh Ánh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video