Quảng Nam có nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới
Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, Hội tập trung tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội cho người dân, phụ nữ và trẻ em; thực hiện số hóa trong truyền thông để lan tỏa mạnh mẽ bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Huy động nhiều nguồn lực triển khai Tháng hành động, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, phụ nữ, trẻ em chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu... Tổ chức kiểm tra việc thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các địa phương. Triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, làm tốt vai trò tham mưu về công tác cán bộ nữ. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ giảm nghèo, triển khai các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ, hỗ trợ vốn tín dụng cho phụ nữ nghèo… Truyền thông, quảng bá tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), tổng đài Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam (số 18001581) để người dân, phụ nữ và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ, can thiệp khi bị bạo lực, xâm hại. Lan tỏa thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.
Một số địa phương phối hợp triển khai tốt các hoạt động của Tháng hàng động như: Hội LHPN huyện Núi Thành triển khai hiệu quả công tác cán bộ nữ góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong hệ thống chính trị. 100% cán bộ Hội được chuẩn hóa về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cơ sở đạt 24,5%, cấp huyện 16,28%; tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 25,72%, cấp huyện 32,35%. Huyện có 18/26 phòng ban có cán bộ chủ chốt là nữ; 13/17 xã, thị trấn có cán bộ chủ chốt là nữ;... Hội LHPN huyện Phú Ninh tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp phụ nữ, quan tâm đến các thành phần phụ nữ yếu thế, như phụ nữ khuyết tật… bảo đảm thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hội LHPN huyện Đại Lộc thành lập các mô hình và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Chi hội kiểu mẫu 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; CLB “Phụ nữ tự tin, tự trọng ”… Duy trì hiệu quả các CLB “Gia đình hạnh phúc” trên địa bàn, hướng dẫn kiến thức về chăm lo gia đình, nuôi dạy con tốt; triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”. Duy trì và nhân rộng các mô hình nhà lánh nạn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; Phối hợp tổ chức diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động; Biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bình đẳng giới;... Hội LHPN thị xã Điện Bàn có nhiều mô hình hỗ trợ nhóm phụ nữ bị BLGĐ như “Ngôi nhà an toàn”, “Địa chỉ tin cậy”; xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB gia đình hạnh phúc góp phần nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về pháp luật cho phụ nữ; Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo nhóm đối tượng yếu thế về vật chất lẫn tinh thần, nhất là việc trang bị, tư vấn kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.