Quảng Nam: Vận động phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm chăm lo cho sức khỏe gia đình

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, phần lớn là do ý thức sử dụng của người dân về thói quen trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm, nhất là đối với các loại thực phẩm được chế biến theo phong tục tập quán của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Cụ thể, trong Quý I/2023, trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm (do ăn cá chép ủ chua tự làm) với 10 người có diễn biến nặng, trong đó có 1 trường hợp tử vong hay vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo - cơ sở 2 (thôn Hà An, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) làm 18 học sinh phải nhập viện. Và nhiều ca ngộ độc riêng lẻ từ đầu năm đến nay được đưa vào cấp cứu tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.
Trước tình hình đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức các cuộc tư vấn, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, diễn đàn nhằm cung cấp cho phụ nữ và người dân những kiến thức quan trọng trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe; triển khai CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với ba tiêu chí “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; ký kết liên tịch với UBND và Hội nông dân về Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng; tổ chức thi “Tìm hiểu kiến thức ATTP”; “Dinh dưỡng và ATTP”; hướng dẫn xây dựng các mô hình “Vườn rau sạch, an toàn”, “Vườn rau cho con”, “Bếp ăn an toàn”… Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ cùng ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thôn bản; vận động chị em tham gia các đoạn đường tự quản vệ sinh môi trường, chung tay vì một xã hội “Nói không với thực phẩm bẩn”, thực hiện tốt vai trò của người “tay hòm chìa khóa” để mang lại cho gia đình những bữa ăn không chỉ ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng mà còn là bữa ăn “sạch, an toàn, tiết kiệm”. Các cấp Hội phụ nữ cũng hướng dẫn chị em tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (ở những vùng có điều kiện) để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ theo quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả. Qua đó khuyến khích, vận động hội viên, phụ nữ thay đổi nhận thức và hành vi trong thực hiện sản xuất, chế biến và tiêu thụ an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trước nguy cơ tiềm ẩn trong mùa nắng nóng năm nay có thể xảy ra các vụ ngộ độc, đặc biệt là ở các vùng núi; các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác thông tin, truyền thông, vận động phụ nữ và người dân vùng đồng bào DTTS&MN không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan đến cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng... Tuyên truyền người dân có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương; tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội trong việc tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, ATTP; tổ chức thực hiện có hiệu quả CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, mô hình thực phẩm sạch, bếp ăn an toàn để chăm lo tốt hơn sức khỏe cho gia đình…