Quảng Ngãi: Nỗ lực xóa bỏ định kiến giới trong đồng bào dân tộc thiểu số
Các Tổ truyền thông cộng đồng đã tích cực vận động, tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức của người chồng, nhiều người không còn uống rượu, biết phụ giúp vợ, gánh vác việc nhà, cuộc sống vợ chồng ngày càng gắn kết, hạnh phúc.
Ông Phạm Văn Nít, thôn Cà Rầy, xã Ba Tiêu chia sẻ: “Hai vợ chồng ở nhà hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau nuôi heo, nuôi bò. Nếu vợ đi làm thì mình ở nhà làm việc nhà, nấu cơm cho vợ, chứ vợ làm nhiều quá thì sẽ đau ốm, lúc đó thì mình sẽ phải làm gấp đôi công việc. Mình thương vợ con thì mình làm thôi”.
Bà Phạm Thị Trung vợ ông Nít cho hay, nhiều phụ nữ đã tự tin bước ra khỏi những định kiến và khuôn khổ giới ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương.
“Của chồng công vợ, công sức cùng nhau, mình biết thì mình đi, ổng ở nhà thì làm việc nhà, mình không tính toán gì hết, hồi kia còn nói này nọ, giờ hiểu lắm nên tôi sống vui vẻ vô tư. Hai vợ chồng không phân biệt gì cả nên mới có được như ngày hôm nay”, bà Nít nói.
Theo ông Phạm Văn Vuốt, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cà Rầy, xã Ba Tiêu, muốn thay đổi định kiến về giới, nâng cao vai trò vị thế, tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình thì người đàn ông trong gia đình phải thay đổi cách nghĩ.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cà Rầy hiện có 10 thành viên nhưng có 6 thành viên là nam, 4 thành viên là nữ. Điều này góp phần thành công cho công tác truyền thông ở địa phương bởi khi đàn ông vận động đàn ông sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác truyền thông, góp phần thay đổi định kiến về giới.
Tổ truyền thông cộng đồng góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm
“Thôn Cà Rầy địa hình khó khăn nên việc đi họp hành, vận động thì đàn ông làm tốt hơn, và khi tuyên truyền thì đàn ông nói với đàn ông cũng dễ hiểu nhau hơn. Tôi và tổ đi vận động đến tận nhà, đối với dân không có trình độ thì đi làm keo ngày 200 nghìn. Vợ hoặc chồng mà uống rượu là không muốn đi làm gì cả. Vì vậy, sau khi thành lập tổ thì tổ đã đến vận động, tạo việc làm, nếu vợ đi làm chồng ở nhà thì lo việc gia đình, chăm sóc con và ngược lại. Vì vậy, nên hiện nay hộ nghèo đã giảm hẳn và tình trạng bạo lực gia đình không còn nữa”, ông Vuốt cho hay.
Trên địa bàn huyện Ba Tơ có 25 Tổ truyền thông cộng đồng, thành viên đều là những người có uy tín ở cơ sở. Để các tổ truyền thông hoạt động có hiệu quả, thời gian qua, Hội LHPN huyện Ba Tơ đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các thành viên. Tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông; bàn giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình điển hình tại cơ sở. Những hoạt động này đã đem lại kết quả tích trong quá trình thực hiện Dự án 8. Những tư tưởng, định kiến, hủ tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ.
Anh Phạm Văn Đệ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Nước Y, xã Ba Vinh cho biết: “Trước đây chưa thành lập, nơi đây có 3 vụ tảo hôn. Khi thành lập Tổ truyền thôn cộng đồng trong năm 2023, đến nay không có vụ nào xảy ra”.
Một số tư tưởng, định kiến đã ăn sâu vào “nếp nghĩ” của người dân nên việc triển khai Dự án 8 gặp không ít khó khăn. Các Tổ truyền thông cộng đồng ở huyện Ba Tơ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, người dân. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vai trò, vị thế, giúp phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
“Thông qua các lớp tập huấn đã nâng cao được nhận thức, thay đổi hành vi. Qua quá trình triển khai, Hội Phụ nữ xã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nên đã rút ngắn khoảng cách nhận thức của người kinh và người Hrê. Ngày xưa định kiến giới là phụ nữ ở nhà sinh đẻ, sống phụ thuộc thì nay đã thay đổi, ý kiến của phụ nữ được quan tâm”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Tơ Đặng Thị Thúy Nga cho biết.