Quảng Trị: Người phụ nữ khuyết tật giàu ý chí và lòng nhân ái

09/05/2025
Những trận mưa bom, mìn của chiến tranh đã khiến cho cơ thể bà Nguyễn Thị Năm (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) không còn lành lặn, khoẻ mạnh. Dù vậy, bà chưa một lần chịu khuất phục trước bất kỳ điều gì chỉ vì cơ thể mình khiếm khuyết. Mạnh mẽ vươn lên từ chính đau thương và sống có ích cho cộng đồng, xã hội là những gì mà bà Năm vẫn đang hướng đến.
Bà Nguyễn Thị Năm (hàng đầu tiên thứ 5 từ phải sang) tham gia tại Hội nghị tham vấn khu vực “Tăng cường Chương trình Hỗ trợ nạn nhân tại các quốc gia thành viên ASEAN” - Ảnh: Thu Thảo

Năm 1967, máy bay Mỹ tăng cường dùng máy bay B52 ném bom rải thảm đánh phá Vĩnh Linh, Bác Hồ và Trung ương Đảng yêu cầu khu vực Vĩnh Linh tìm cách giảm mật độ dân cư trong khu chiến sự để tránh tổn thất, thương vong cho nhân dân. Một ngày giữa tháng 3/1967, khi đang cùng các bạn di tản vào hầm trú ẩn, lớp học của bà Năm bị ném bom. Đã có 3 người bạn học ra đi mãi mãi, còn bà Năm bị thương nặng, phải cắt bỏ cánh tay trái. Sau khi vết thương tạm ổn, bà Năm tiếp tục được đưa ra Nghệ An sơ tán và học tập. Bà trở về quê hương khi hoà bình lặp lại.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và sự tin tưởng của cộng đồng những người khuyết tật địa phương, bà Năm được giao phụ trách công tác đoàn, rồi được cử đi học đại học tại chức. Nhờ vậy, sau này, bà tham gia làm việc và đã có nhiều đóng góp ghi dấu ấn cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Vĩnh Linh. Theo thời gian, những đóng góp của bà Năm cho các tổ chức như: Plan International, Tầm nhìn thế giới, Renew, Trung tâm hành động bom mìn, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng... tại Quảng Trị ngày càng nhiều. Đặc biệt, bà đã tham gia đóng góp, hỗ trợ và tư vấn kế hoạch hoạt động cho chương trình của các tổ chức liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật…

Tháng 12/2022, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn bà Năm làm đại diện cho các nạn nhân bom mìn Việt Nam tham dự Hội nghị tham vấn khu vực về hỗ trợ nạn nhân bom mìn vật liệu nổ tại Bali, Indonesia. Suốt quá trình diễn ra Hội nghị, đoàn phải di chuyển qua nhiều địa điểm chuyển tiếp, thời gian lưu trú gấp gáp nhưng bà Năm luôn chủ động tự đảm đương hành lý của mình, dù có người đi cùng hỗ trợ. Hình ảnh bà Năm mặc áo dài Việt Nam đứng giữa Hội nghị trình bày gọn gẽ, mạch lạc các vấn đề liên quan đến người khuyết tật và bình đẳng giới đã thu hút và để lại ấn tượng sâu sắc trước các đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có khoảng 5.000 người khuyết tật, trong đó có nhiều người khuyết tật là hội viên phụ nữ hoàn cảnh rất khó khăn. Thực tế này đòi hỏi cần có một tổ chức hay nơi sinh hoạt dành riêng cho phụ nữ khuyết tật, để hỗ trợ và giúp đỡ họ vươn lên phát triển kinh tế gia đình, sống một cuộc đời ý nghĩa, có ích cho xã hội. Sau rất nhiều đêm trăn trở, tìm hiểu, bà Năm đã tư vấn cho các chị em khuyết tật cơ sở pháp lý để có thể thành lập được một câu lạc bộ đặc thù. Kết quả, ngày 2/8/2022, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức ra mắt CLB “Phụ nữ khuyết tật huyện Vĩnh Linh” với 32 thành viên. Trên cơ sở CLB “Phụ nữ khuyết tật” tỉnh, đây là mô hình đầu tiên tại địa phương được triển khai. Từ đây, nhiều CLB “Phụ nữ khuyết tật” đã được hình thành và phát triển, trở thành mái nhà chung, điểm tựa tinh thần đối với các chị em không may mắn, giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.

Khi CLB đã được thành lập, bà Năm lại tận tình hướng dẫn cho Ban chủ nhiệm CLB về cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt CLB, cách quản lý, xây dựng chương trình, hỗ trợ chị em phát triển sinh kế… Bên cạnh đó, bà luôn động viên chị em khuyết tật tham gia sinh hoạt CLB, cũng như đóng góp ý kiến để CLB đi lên. Nhờ có sự dẫn dắt và định hướng của bà Năm, đến nay, CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Vĩnh Linh đã có 44 thành viên. Thông qua các hoạt động, đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng lên. Một số hội viên được vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình. Bên cạnh đó, nhóm dân vũ cũng hoạt động tích cực, giúp các chị em tìm được cảm hứng, niềm vui trong cuộc sống, tự tin bước ra xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh chia sẻ, bà Năm không chỉ là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế, mà còn là khách mời quen thuộc của Hội LHPN huyện. “Bà Năm là người sống có trách nhiệm, am hiểu kiến thức về người khuyết tật, về giới và các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, có kỹ năng thuyết trình tốt… Do đó, Hội thường giới thiệu bà tham gia làm báo cáo viên hướng dẫn tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn do Hội LHPN huyện, tỉnh tổ chức” – bà Tuyết nói.

Thu Thảo

CÁC ĐỀ ÁN

Video