Quảng Trị: Tổ hợp tác Ba Tầng tạo việc làm cho phụ nữ Bru - Vân Kiều

10/09/2023
Được hỗ trợ đầu tư và thành lập tổ hợp tác đã giúp hàng chục phụ nữ DTTS ở vùng biên Quảng Trị có sinh kế mới từ sản phẩm măng rừng - một sản phẩm sạch đang được thị trường ưa chuộng.
Các thành viên Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng tiến hành sơ chế măng.

Sản phẩm sạch từ rừng

Ba Tầng là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) 50 km về phía Nam, chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Bru - Vân Kiều sinh sống. Hơn 2 tháng trở lại đây, hàng chục phụ nữ Bru - Vân Kiều ở xã Ba Tầng đã bắt đầu được hưởng thành quả từ sản phẩm lấy từ rừng và áp dụng công nghệ mới để mang đến giá trị cao hơn. Chị Hồ Thị Linh (trú xã Ba Tầng) cho biết, trước đây phụ nữ Vân Kiều ở xã Ba Tầng thường lấy măng rừng về ăn, tuy nhiên lượng măng rừng lấy được khá nhiều nên nhiều người phải gùi cõng măng tươi vượt hàng chục km rao bán khắp nơi. Vất vả là thế nhưng trừ chi phí đi lại, những phụ nữ bán măng rừng chỉ còn lại vài chục ngàn đồng, không đủ đắp đổi cơm áo cho cả gia đình.

Theo nhiều phụ nữ Bru-Vân Kiều ở xã Ba Tầng chia sẻ, vào mùa mưa, chị em phụ nữ ở xã Ba Tầng lại tích cực thu hoạch măng rừng. Măng rừng ở Hướng Hóa có tên là măng A Ho, được người Vân Kiều khai thác từ rừng vào tháng 7 đến tháng 1 hàng năm. Măng có vị ngọt, thơm, mềm sau khi luộc và được người Vân Kiều dùng làm các món xào, luộc, làm đồ chua… Theo truyền thống, người phụ nữ Vân Kiều thường cắt được bao nhiêu đều đem ra chợ bán. Bán không hết thì đem về nhà ăn. Ăn không hết thì đem bỏ, lần sau đi cắt tiếp. Một số người cũng đã tận dụng phơi sấy măng ngoài trời hoặc trên bếp. Một số người đã thử phơi măng khô theo dạng thủ công, dựa vào ánh nắng mặt trời. Thế nhưng việc phụ thuộc thời tiết nên chất lượng măng làm ra không đẹp, màu sắc không đều khiến khách hàng chê, tiểu thương ép giá.