Quảng Trị triển khai dự án 8: Đồng bào DTTS nghèo ở nhiều địa phương đã dần thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu

Từ chuyển biến trong nhận thức …
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là 1 trong 10 dự án của Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đã mở ra cho phụ nữ đồng bào DTTS của tỉnh nhiều cơ hội, trong đó đáng kể nhất là họ được nâng cao nhận thức về định kiến giới, khuôn mẫu giới, xóa bỏ phong tục tập quán và những hủ tục lạc lậu, những vấn đề vốn “đeo đẳng”, ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm khiến người dân không thoát khỏi được sự nghèo đói, lạc hậu.
Với những nỗ lực thay đổi nhận thức cho cán bộ, hội viên, thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã triển khai phong phú, đa dạng các hoạt động tuyên truyền nhằm thực hiện tốt nội dung của Dự án 8 trên địa bàn. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, các cấp Hội đã tổ chức được 57 chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em quy mô cấp huyện và cụm xã, các xã mà tỉnh chọn triển khai mô hình điểm với hơn 6.450 người tham gia. Hội LHPN tỉnh nhân bản 290 bộ tài liệu phát triển năng lực giới; đa dạng hình thức truyền thông bằng các ấn phẩm truyền thông như: tranh lật, tờ rơi, sổ tay ghi chép, áo, mũ bảo hiểm, túi xách,... Các hoạt động, sự kiện mà Hội tổ chức đã tạo được sự lan tỏa và tính cộng đồng cao.
Xác định vai trò các mô hình tại cộng đồng khu dân cư giúp Dự án 8 đi vào hoạt động có chiều sâu. Nhiều mô hình cộng đồng tại địa bàn vùng đồng bào DTTS đã được các cấp Hội thành lập, duy trì và nhân rộng. Được thành lập năm 2023, mô hình “Địa chỉ tin cậy” của thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt, huyện Đakrông luôn được Đảng ủy, chính quyền dành nhiều sự quan tâm, theo dõi, nhất là tổ chức các hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, đảm bảo an toàn cho nạn nhân, bảo đảm bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Rụt 3 cũng là chủ “Địa chỉ tin cậy” Hồ Văn Om cho biết: “Nhờ có các hoạt động thiết thực này, trên địa bàn chưa ghi nhận xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. “Địa chỉ tin cậy” đã mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn những hành vi bạo lực, tạo môi trường sống an bình cho phụ nữ và trẻ em”.
Đến nay, cấp Hội LHPN đã thành lập được 29 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học, thành lập và duy trì 171 “Tổ truyền thông cộng đồng” với 1.560 thành viên tham gia. Ban điều hành của 54 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng đã tuyên truyền 121 cuộc cho 7.220 lượt người dân về những vấn đề tại địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm hướng dẫn, nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới và vận hành các mô hình có hiệu quả, các cấp Hội đã chú trọng việc triển khai các lớp tập huấn, hội nghị, nhằm hướng dẫn cho cán bộ thực hiện dự án. Đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 29 Hội nghị tập huấn kỹ năng, hướng dẫn, chuẩn bị cho công tác đối thoại cấp xã cho 2.484 cán bộ. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 19 hội nghị, tập huấn triển khai và hướng dẫn xây dựng thành lập và vận hành tổ truyền thông, kỹ năng điều hành tổ chức sinh hoạt, ... cho hơn 1.300 người tham gia.
Thông qua các mô hình, địa chỉ, các hoạt động truyền thông cộng đồng, những hủ tục, quan điểm lạc hậu dần được xóa bỏ, nhận thức của cộng đồng, người dân về cách phòng ngừa, ngăn chặn tác các động tiêu cực của lối sống thực dụng, tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em trong gia đình được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm của nam giới trong quá chăm sóc và giáo dục con cái, xây dựng kinh tế gia đình, chia sẻ việc nhà có sự chuyển biến rõ rệt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của trẻ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS&MN.
Công tác đối thoại với cấp ủy đảng, chính quyền tập trung vào các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lĩnh vực vốn, tín dụng; việc làm, đào tạo nghề; sản phẩm OCOP; phát triển mô hình kinh tế tập thể, công tác phòng chống nạn tảo hôn, chính sách bảo trợ trẻ em,... được các cấp Hội quan tâm thực hiện, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
… đến mạnh dạn thay đổi cách làm
Xác định sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo và giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết. Do đó, cần bắt đầu từ việc khơi dậy và phát huy nội lực, khả năng vốn có của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ lập thân, lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo.
Thông qua Dự án 8, các cấp Hội đã tích cực hỗ trợ phụ nữ khó khăn, nhất là hướng dẫn cho họ phát triển kinh tế gia đình, trang bị các kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: công nghệ số, bán hàng online, sử dụng mạng xã hội và các phần mềm tiện ích, hỗ trợ để hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp, tạo động lực cho chị em khác thành lập những mô hình THT, HTX, phát triển kinh tế cộng đồng.
Để hỗ trợ tốt nhất cho chị em hội viên, phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức 3 hội nghị tập huấn, tham vấn hướng dẫn về hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho huyện, xã về xây dựng tổ nhóm sinh kế, các lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; cấp tỉnh đã triển khai rà soát các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu hỗ trợ và lựa chọn được 4 mô hình tổ nhóm sinh kế, HTX gồm HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó; THT Chuối lùn Tà Rụt, xã Tà Rụt (huyện Đakrông); THT Chế biến măng xã Húc; Tổ hợp tác Đan lát, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) để hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Bước đầu, các mô hình đã đem lại thu nhập cho nhiều thành viên tham gia, phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng kinh tế tập thể.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho biết: “Việc hình thành các mô hình, THT, HTX đã khuyến khích tinh thần mạnh dạn tiếp thu, học hỏi của phụ nữ, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng của gia đình, thay đổi phương thức sản xuất. Đồng thời, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước của một bộ phận người đồng bào DTTS.
Thông qua các hoạt động truyên truyền, đồng bào DTTS nghèo ở nhiều địa phương đã dần thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Đây chính là những kết quả mong đợi trong 3 năm đầu thực hiện mục tiêu Dự án 8. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội sẽ duy trì và nhân rộng các mô hình, tăng cường hoạt động có sự tham gia của nam giới và cộng đồng trong các hoạt động dự án nhằm góp phần tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, thực hiện bình đẳng giới thực chất, đem lại cuộc sống ấm no nơi bản làng.”