Sơn La: Người Mông ở "làng nguyên thủy" sáng tạo trong cách làm du lịch

15/05/2025
Tận dụng những ưu đãi về thiên nhiên, người dân tộc Mông sinh sống ở bản Tà Số (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao đời sống.
Chị Hạm Thị Chá đầu tư tiền mua ngựa để phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến Hang Táu.

Hang Táu (bản Tà Số) nằm ẩn mình giữa đại ngàn xanh ngát là nơi sinh sống và sản xuất của 20 hộ gia đình người dân tộc Mông. Nằm cách xa trung tâm bản Tà Số chừng 3km với địa hình 4 bề bao quanh là núi rừng nên đến giờ ở Hang Táu vẫn không có điện, không sóng điện thoại.

Mặc dù đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn nhưng Hang Táu lại được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan rất hùng vĩ, nguyên sơ, rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Đường vào "làng nguyên thuỷ" Hang Táu

Ông Mùa A Châu, Giám đốc HTX du lịch Hang Táu, cho biết, người Mông trước đây sinh sống nhiều ở trung tâm bản Tà Số. Đến năm 1979, trong quá trình phát lương, làm rẫy, một số người Mông ở bản Tà Số đã khám phá ra một vùng đất có hình lòng chảo được bao quanh bởi núi rừng nên đặt tên là Hang Táu (có nghĩa là bãi đất trống hay vùng đất có hình lòng chảo).

Thời điểm mới được phát hiện, vùng đất với tên gọi Hang Táu bây giờ ngập ngụa toàn cây lau, cây giang. Qua quá trình khai khẩn đất hoang, Hang Táu mới trở nên xanh tươi, trù phú như bây giờ. Đến năm 2018 – 2019, những du khách đầu tiên đến tham quan, phát hiện ra Hang Táu. Họ say mê vùng đất này bởi nét đẹp hoang sơ, yên bình, khác hẳn nhịp sống xô bồ bên ngoài.

Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ ở Hang Táu.

Dần dần, miệng truyền miệng, rồi mạng xã hội phát triển nên Hang Táu được nhiều người biết và tìm đến tham quan. Tại đây, du khách được chìm đắm trong một thế giới yên bình, được trải nghiệm, hoà mình vào cuộc sống như thời nguyên thuỷ của người dân nơi đây. Vậy nên, Hang Táu vẫn được du khách gọi bằng cái tên "làng nguyên thuỷ".

Tiềm năng phát triển du lịch ở Hang Táu là điều đã được thấy rõ nhưng theo ông Châu, thời gian đầu, du khách đến thăm do không được quản lý nên xuất hiện tình trạng xả rác bừa bãi, vui chơi lộn xộn ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông ở Hang Táu.

Trước thực trạng trên, năm 2023, UBND xã Chiềng Hắc đã thành lập HTX du lịch Hang Táu để tập hợp các hộ dân lại và cùng phát triển du lịch một cách có bài bản, khoa học đồng thời quản lý du khách đến tham quan. "Du lịch giúp đời sống bà con dân tộc Mông ở Hang Táu khá khẩm hơn nhiều so với chỉ làm nương, làm rẫy như trước kia", ông Châu chia sẻ.

Những thay đổi về đời sống kinh tế xã hội theo hướng tích cực hơn nhờ làm du lịch được chị Vàng Thị Pua (42 tuổi, người dân tộc Mông ở Hang Táu) xác nhận. Cách đây hơn 3 năm, nhận thấy du khách tìm đến Hang Táu tham quan, trải nghiệm nhiều nên gia đình chị Pua là một trong những hộ đầu tiên dựng "ki ốt" để bán hàng và cho du khách thuê trang phục để chụp ảnh.