Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững
Hội nghị INWES-APNN 2024 diễn ra trong 2 ngày 4-5/10, tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo (NIC) - Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Các đại biểu tham dự chương trình
Năng lực của nữ trí thức Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Đến nay, Hội đã có gần 6.000 hội viên (trong đó có 24 Giáo sư, 224 Phó Giáo sư, 727 Tiến sĩ và gần 2.000 Thạc sĩ). Hội Nữ trí thức Việt Nam là Hội duy nhất có chi hội khối Văn hóa nghệ thuật. Nhiều hội viên đã được tôn vinh trong nước và quốc tế, được nhận các giải thưởng khoa học như: Giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Vifotex, các giải quốc tế, các giải thưởng của Quỹ nước ngoài...
GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị
Đặc biệt, Hội đã tập trung vào việc thúc đẩy, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học. Thông qua việc tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố và trình bày tại các hội nghị cấp quốc gia đã khẳng định năng lực của nữ trí thức Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Hội cũng rất chú trọng đến việc hỗ trợ nữ trí thức chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về sở hữu trí tuệ, kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp, tạo điều kiện để các sản phẩm nghiên cứu của nữ trí thức được ứng dụng vào thực tiễn.
Trong quan hệ quốc tế, Hội đã chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài. Việc trở thành thành viên của Mạng lưới các nhà Khoa học và Kỹ sư nữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNN), thuộc tổ chức các nhà khoa học Công nghệ nữ quốc tế (INWEST) là một minh chứng rõ nét cho sự hội nhập quốc tế của Hội.
Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tập trung vào việc thúc đẩy, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học
“Hội nghị lần này không chỉ là một diễn đàn để chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn, nơi mà phụ nữ được trao quyền và đóng góp hết mình vào sự phát triển của cộng đồng. Theo đó, hội nghị sẽ tập trung vào việc đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những thách thức mà các tổ chức khoa học và kỹ sư nữ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt. Hai phiên họp chuyên đề về sức khỏe, môi trường, và về giới, kỹ thuật và toán học sẽ mang đến những góc nhìn sâu sắc về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và sẽ đưa ra những giải pháp khả thi. Mặt khác, hội nghị cũng sẽ đưa ra được những kiến nghị đích đáng đóng góp vào việc mở rộng mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nữ trong khu vực”, theo GS.TS. Lê Thị Hợp.
Đội ngũ các nhà khoa học nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những công trình ứng dụng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và đất nước
Tại Việt Nam, dù còn phải đối mặt với định kiến giới trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, phụ nữ vẫn khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đội ngũ các nhà khoa học nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những công trình ứng dụng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và đất nước. Nhiều nhà khoa học, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á... Thành tựu đó có được là bởi có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam thông qua các chủ trương, chính sách nhằm phát huy năng lực, sức sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong đó có Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã mở ra cơ hội cho đội ngũ trí thức nói chung, các nhà khoa học nữ nói riêng có cơ hội phát huy năng lực, sức sáng tạo.
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế như: ban hành Nghị quyết về “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030”; đề xuất Chính phủ phê duyệt các đề án hỗ trợ để phụ nữ chủ động, tích cực hơn trong quá trình hội nhập toàn cầu như Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). Biểu dương, tôn vinh những nhà khoa học nữ và nữ trí thức qua việc duy trì xét, trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; trao học bổng cho các em nữ sinh chuyên Toán có thành tích học tập xuất sắc; tổ chức Cuộc gặp mặt lãnh đạo Chính phủ với nữ trí thức tiêu biểu toàn quốc; hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam ở các tỉnh, thành phố cả nước.
Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và trách nhiệm của Hội Nữ Trí thức Việt Nam trong phát huy vai trò đổi mới sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức phục vụ sự phát triển đất nước bền vững
Chủ tịch Hà Thị Nga kỳ vọng: “Hội nghị hôm nay đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy sự tham gia, đóng góp hơn nữa của các nhà khoa học nữ đối với sự phát triển bền vững trong khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam lắng nghe và học hỏi từ các nước trong khu vực mà còn là dịp để các nhà khoa học nữ, từ mọi quốc gia, có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nhằm tạo ra những sáng kiến đột phá thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ”.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học nữ
Sự có mặt của các nhà khoa học và kỹ sư nữ đã lấp dần những khoảng trống về giới trong các lĩnh vực
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực của Lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam trong công tác kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác khoa học, công nghệ cho nữ trí thức Việt Nam với các quốc gia trong khu vực; đóng góp xứng đáng và có trách nhiệm cho những hoạt động chung của Mạng lưới các Nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực của Lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam trong công tác kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác khoa học, công nghệ cho nữ trí thức Việt Nam với các quốc gia trong khu vực
Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy tính hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra của nền kinh tế tri thức. Những thành tựu quan trọng đó có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học và kỹ sư nữ với những công trình, sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao, những sáng chế có giá trị ứng dụng hữu ích để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước, của ngành, lĩnh vực.
Với lực lượng ngày càng đông đảo và có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đội ngũ nhà khoa học và kỹ sư nữ đang mạnh mẽ tiến bước và ngày càng khẳng định tài năng, trí tuệ và tiềm năng sáng tạo to lớn trên các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật mới, công nghệ cao…
Sự có mặt của các nhà khoa học nữ đã lấp dần những khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học
“Sự có mặt của các chị đã lấp dần những khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Chúng ta tự hào vì trong số gần 6.000 hội viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam, nhiều chị được vinh danh xứng đáng tại các giải thưởng khoa học uy tín trong nước và quốc tế như Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Vifotex, giải thưởng Kovalevskaia, L’Oreal-UNESCO và nhiều giải quốc tế khác”, bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định.
Trong đó, 2 hội viên tiêu biểu của Hội Nữ trí thức Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự Anh hùng Lao động, đó là PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, người nổi tiếng về thành tựu nghiên cứu thành công và chuyển giao hàng chục giống lúa lai chất lượng, năng suất cao, mang lại nhiều mùa vàng bội thu cho nông dân và nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam; Thầy thuốc Nhân dân. GS.TS. AHLĐ Huỳnh Thị Phương Liên, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu vắc-xin với hơn 100 công trình khoa học đã được công bố, làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà như sản xuất vắc-xin trong chiến trường khu V giai đoạn kháng chiến chống Mỹ; nghiên cứu sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt - vắc-xin thế hệ 1 thành công, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vắc-xin VNNB từ năm 1991… Gần đây TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo, 33 tuổi, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đã trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu năm 2024.
Các sản phẩm được trưng bày tại hội nghị INWES-APNN 2024
Cùng với nhiều tấm gương tiêu biểu khác, các chị không chỉ thành công trong những nhiệm vụ khoa học, công nghệ đầy thách thức mang tầm thời đại, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học nữ trẻ kế tiếp vượt lên định kiến giới, khắc phục những khó khăn trong việc phải cân bằng giữa trách nhiệm người vợ, người mẹ trong gia đình với việc theo đuổi đam mê sáng tạo, cống hiến, chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực STEM.
Bà Nguyễn Thị Thanh tin tưởng rằng, thông qua trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thành công và cả những khó khăn, rào cản, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả và đạt được những mục tiêu tốt đẹp mà hội nghị đã đề xung quanh chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững”.