Tiếp tục duy trì công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, mang tính ứng dụng cao

22/09/2023
Chiều 22/9, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025 (Đề án 1893). Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh và Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Trần Quang Tiến đồng chủ trì hội nghị.
Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định, những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án 1893 đã góp phần đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: “Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án 1893 đã góp phần đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, tính đến hết năm 2021: 98% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 97% cán bộ, công chức cấp huyện, 99% Chủ tịch Hội cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh trong đó bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội là một tiêu chuẩn bắt buộc; 100% chi hội trưởng phụ nữ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội”.

Toàn cảnh chương trình sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025 (Đề án 1893)

Nhiều kết quả đã đạt được như: (1) Xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, kịp thời cập nhật những nội dung mới; (2) Kho dữ liệu bài giảng động phục vụ đào tạo trực tiếp kết hợp với trực tuyến (Elearning); (3) Đa dạng hình thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như trực tiếp kết hợp trực tuyến tạo điều kiện cho cán bộ Hội vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, vừa có thể tham gia các khóa bồi dưỡng; (4) Tổ chức được gần 1.000 lớp tập huấn cho hơn 65.000 cán bộ chuyên trách Hội LHPN các cấp, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó từ nguồn kinh phí của Đề án và huy động nguồn kinh phí của địa phương với tổng số tiền trên 81 tỷ đồng, trong đó 48% kinh phí là của Đề án; (5) Một số tỉnh đã đề xuất được cơ chế, khai thác được nguồn lực của địa phương; (6) Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá việc bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, trở thành nề nếp ở các cấp Hội, những phát hiện từ việc kiểm tra giám sát đã giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch có những định hướng, chỉ đạo sát với thực tiễn, giúp các cấp Hội thực hiện Đề án hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, những vấn đề đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm khắc phục như: chưa đạt chỉ tiêu: tối thiểu 30% người được quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội; Nghị định số 33/2023/NĐ – CP của Chính phủ ngày 10/6/2023 mới ban hành điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn chức danh và chế độ, chính sách; đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn chức danh chưa kịp thời; nhiều tỉnh, thành chưa chủ động trong việc đề xuất nguồn kinh phí địa phương và xã hội hoá công tác đào tạo, bồi dưỡng; việc biên soạn, xây dựng tài liệu bồi dưỡng cho phù hợp với từng nhóm học viên, cán bộ từng cấp Hội của một số địa phương còn hạn chế; một số cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng chưa vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hiện nhiệm vụ... Do đó, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh mong muốn, các đại biểu tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, khó khăn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Đề án, đặc biệt chú trọng vào việc đề xuất nội dung, giải pháp và nhu cầu bồi dưỡng cần tập trung những năm tiếp theo.

100% cán bộ cấp TW, 82% cán bộ cấp tỉnh, 85% cán bộ cấp huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội

Ngay sau khi Quyết định 1893 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Ban Tổ chức, TW Hội và Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp thực hiện các nhiệm vụ: tham mưu hướng dẫn, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ; xây dựng các Quy chế đào tạo,bồi dưỡng. Cùng với đó, TW Hội cũng đã ban hành 5 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; Học viện triển khai 10 chương trình bồi dưỡng khác nhau, hoàn thành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ và các kỹ năng làm việc cho cán bộ Hội, xây dựng 19 bài giảng video nâng tổng số bài giảng điện tử về các chuyên đề bồi dưỡng mà Học viện đang quản lý lên hơn 80 bài. Quy trình xây dựng tài liệu, chương trình bồi dưỡng được đảm bảo và các chương trình bồi dưỡng cơ bản cho cán bộ Hội các cấp, chi tổ đều có 1 phần nội dung tự chọn để các địa phương quyết định lựa chọn phù hợp với thực tiễn.

Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Trần Quang Tiến trình bày báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025

Trong nhiệm vụ tổ chức các khóa bồi dưỡng, từ nguồn kinh phí ngân sách TW: tổng cấp 39 tỷ đồng, trong đó kinh phí phân bổ cho địa phương chiếm 45%; từ nguồn ngân sách địa phương: tổng kinh phí ngân sách địa phương thực hiện Đề án 189342,736 tỷ đồng để tổ chức 1.576 lớp cho 700 nghìn lượt học viên.

Tính đến tháng cuối năm 2022, 100% cán bộ cấp TW, 82% cán bộ cấp tỉnh, 85% cán bộ cấp huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; 86,7% Chủ tịch Hội LHPN cấp xã, 77,18% người được quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội LHPN cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; 76,5% chi hội trưởng phụ nữ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; tại các địa phương thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ năm 2022 không thực hiện đánh giá theo chủ trương chỉ đạo của Đảng.

Bám sát mục tiêu của Đề án, các cấp Hội nỗ lực tập trung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp và chi hội trưởng về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, góp phần chuẩn hoá chức danh đội ngũ cán bộ Hội, đội ngũ chi hội trưởng đạt các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, các kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án.

Nội dung, chương trình tập huấn cần mang tính ứng dụng cao, phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu thực tiễn

Căn cứ vào mục tiêu của Đề án giai đoạn đến năm 2025; nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2024 – 2025 và thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sự biến động, thay đổi cán bộ Hội các cấp, thời gian tới các cấp Hội cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Hàng năm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực vận động phụ nữ, công tác xã hội; kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động Hội và kết nối, tuyên truyền tới phụ nữ; sử dụng các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; kỹ năng tuyên truyền, vận động, tập hợp thu hút phụ nữ, phát triển hội viên và một số kỹ năng mềm khác; (2) Phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam, hệ thống trường chính trị ở địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng có chứng chỉ nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện và Chủ tịch Hội LHPN xã, phường, thị trấn; (3) Tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng phục vụ bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp theo hướng cập nhật nội dung mới, phù hợp với từng nhóm cán bộ Hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tập trung vào các chương trình bồi dưỡng kỹ năng theo vị trí việc làm và theo vị trí chức danh; (4) Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án mới trình Chính Phủ phê duyệt giai đoạn dài hơi.

Các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để thực hiện các lớp tập huấn có hiệu quả

Để thực hiện các hoạt động có hiệu quả, đại diện các tỉnh thành đều nhận định, các cấp Hội phải rà soát và thường xuyên cập nhật trình độ của cán bộ Hội nhất là khi có sự luân chuyển, điều động cán bộ, trong quá trình triển khai, theo dõi hoạt động Hội, kịp thời nắm bắt những kỹ năng, kiến thức cán bộ Hội đang thiếu và yếu để xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình bồi dưỡng kịp thời, phù hợp. Tăng cường phối hợp và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Chương trình, nội dung bồi dưỡng phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính ứng dụng cao, sát với các tình huống vấn đề của hội viên phụ nữ.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Kim Loan trình bày tham luận tại hội nghị

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Kim Loan đề nghị TW Hội LHPN Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu bổ sung kinh phí cho hoạt động thực tế của các lớp, đảm bảo cán bộ được tham quan mô hình ngoài tỉnh; tăng cường tổ chức hình thức học trực tuyến đối với các lớp bồi dưỡng dài ngày, tạo điều kiện cho cán bộ ở vùng xa và tiết kiệm kinh phí. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, nên có chính sách, hỗ trợ phụ cấp, BHYT cho chi hội trưởng, chi hội phó.

 

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video