Tín dụng chính sách xã hội đồng hành nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Quảng Nam
Hội LHPN tỉnh đã nhắc nhở các cấp Hội chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác trong hệ thống Hội, đảm bảo công tác kiểm tra giám sát hoạt động cho vay theo các nội dung mà Ngân hàng CSXH ủy thác.
Phát huy vai trò Hội uỷ thác
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội có đặc thù về giới, Hội LHPN tỉnh là đơn vị nhận vốn uỷ thác nhiều nhất trong 4 Hội đoàn thể. Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06/KL-TƯ, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo một cách toàn diện về hoạt động tín dụng chính sách, nhất là ở cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong triển khai tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn kịp thời, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5.57% (tính đến 31/12/2023).
Hằng năm, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh về các hoạt động liên quan đến công tác kiểm tra giám sát quản lý vốn vay lồng ghép trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn vay, các chính sách liên quan đến hỗ trợ người nghèo… Hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tăng dần theo từng năm cả về số lượng và chất lượng hiệu quả trong công tác quản lý. Đến nay, Hội phụ nữ các cấp theo dõi, quản lý 18 chương trình (năm 2014, 14 chương trình) cho vay của Ngân hàng CSXH. Tổng dư nợ các cấp Hội quản lý là 3.130 tỷ đồng với 57.106 hộ vay (tăng 1.782 tỷ đồng so với năm 2014), thu lãi đạt 100%, nợ quá hạn 0.04%.
Các cấp Hội thường xuyên chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến những chính sách mới đến các đối tượng được hưởng lợi và người dân. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, tham gia giám sát các phiên giao dịch tại điểm giao dịch và giao ban với Ngân hàng CSXH đầy đủ theo quy định.
10 năm thực hiện Chỉ thị 40, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 180 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ Hội các cấp và Tổ trưởng Tổ TK&VV, đã có 15.864 lượt cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ TK&VV được tập huấn. Bên cạnh đó, các cấp Hội đưa nội dung hoạt động ủy thác vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Hội hàng năm. Việc gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV do hội LHPN quản lý luôn được đánh giá cao và đã huy động nguồn lực tại chỗ, 100% tổ và thành viên có số dư tiết kiệm với tỷ lệ hộ gửi tiết kiệm đạt trên 98%, tạo thói quen tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bà Đặng Thị Lệ Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, Thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Thăng Bình
Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội và chất lượng hoạt động
Thông qua chương trình vốn vay ủy thác với Ngân hàng CSXH, các cấp Hội đề xuất cho 100% phụ nữ nghèo, cận nghèo làm chủ hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Chất lượng hoạt động tín dụng, ủy thác, tổ TK&VV, giao dịch ngày càng được nâng cao và có hiệu quả, đáp ứng được cơ bản nguyện vọng của hội viên phụ nữ, đặc biệt là các tầng lớp phụ nữ có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần qua các năm, vốn tín dụng chính sách được triển khai tới 100% cơ sở Hội, giúp cho các mô hình làm ăn có hiệu quả. Nhiều mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sinh kế của gia đình hội viên, phụ nữ đã được xây dựng và phát triển, nhiều công trình nước sạch, vệ sinh đã được xây dựng, cải tạo đảm bảo môi trường, điều kiện sinh hoạt, chất lượng cuộc sống được nâng cao… Qua đó, đã biểu dương các cá nhân và tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn và những tấm gương sản xuất giỏi, tiêu biểu điển hình trong sử dụng vốn tín dụng CSXH.
Chính sách tín dụng đã kịp thời giúp cho tổ chức Hội thu hút hội viên, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hỗ trợ giúp hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Bên cạnh đó, vốn tín dụng còn hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi để có thể đến trường, không phải bỏ học khi khó khăn về tài chính và người lao động có đủ điều kiện cũng được vay để đi lao động ở nước ngoài, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực...
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số hạn chế: việc quản lý và duy trì chất lượng tín dụng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; nợ quá hạn có xu hướng tăng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; một số hộ vay buôn bán nhỏ lẻ làm ăn bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ dẫn đến bỏ đi khỏi địa phương... Qua đó, các cấp Hội LHPN xác định cần duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn vốn qua kênh Hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay, đẩy mạnh huy động tiết kiệm để tăng trưởng vốn vay, làm nguồn vốn tại chỗ cho vay phát triển sản xuất; chú trọng công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình phát triển kinh tế từ nguồn tín dụng chính sách xã hội ở các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý vốn vay trong hệ thống Hội.
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH cần có cơ chế tạo lập nguồn vốn ổn định để đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác; bổ sung thêm vốn giải quyết việc làm, điều chỉnh, nâng mức cho vay tối đa cho Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tăng cường hoạt động phối hợp giữa các nguồn lực, người nghèo sau khi được vay vốn phải được dạy nghề, hướng dẫn làm ăn, có cơ chế bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ vốn cho khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và các Tổ hợp tác/ Hợp tác xã để phát triển sản xuất nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở các địa bàn khó khăn.