Tin hoạt động Hội
- Quảng Trị: Thành lập 31 mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; Mô hình “Địa chỉ tin cậy” và mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng"
- Sơn La: Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giữa Hội LHPN – Công an – Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân
- Đắk Lắk: Tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” năm 2023
Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” của phụ nữ Đắk Lắk năm 2023 nhằm đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” . Qua đó nâng cao hiểu biết của phụ nữ và toàn xã hội về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp; tiếp tục khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khuyến khích và phát triển tư duy sáng tạo, tính năng động, dám nghĩ, dám làm, qua đó tạo nguồn cảm hứng, đam mê kinh doanh cho hội viên phụ nữ, các hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết, các mô hình kinh tế do phụ nữ quản lý/làm chủ.
Cuộc thi cũng nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, phụ nữ DTTS, phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật…thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Đối tượng của cuộc thi hướng tới là các doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết, các mô hình kinh tế do phụ nữ quản lý/làm chủ; các hộ kinh doanh/khởi sự kinh doanh (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) hoặc mô hình kinh tế gắn với phát triển cộng đồng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mô hình sinh kế giảm nghèo có ít nhất 2/3 thành viên thuộc hộ nghèo tại địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn. Phụ nữ yếu thế: Phụ nữ khuyết tật; hộ gia đình có phụ nữ khuyết tật; phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV; phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.
Lĩnh vực dự thi: các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ưu tiên gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm/dịch vụ mới, hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Khuyến khích các ý tưởng, dự án dự thi có ứng dụng công nghệ, như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ bảo vệ môi trường và các loại công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.
- Quảng Trị: Thành lập 31 mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; Mô hình “Địa chỉ tin cậy” và mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng"
Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 31 mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; Mô hình “Địa chỉ tin cậy” và "Tổ truyền thông cộng đồng". Mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gồm 30 thành viên trong đó có 15 em nam và 15 em nữ là các em học sinh tại các trường TH & THCS có độ tuổi từ 11 -16 tuổi, hoạt động theo quy chế dưới sự điều hành dẫn dắt của dẫn trình viên và Ban Chủ nhiệm CLB.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng trao biển hỗ trợ mô hình “CLB thủ lĩnh của sự thay đổi” xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh
5 mô hình “Địa chỉ tin cậy” nhằm hỗ trợ người bị bạo lực thông qua cung cấp chỗ tạm lánh, sơ cứu, chuyển gửi và ổn định tâm lý người bị bạo lực cũng như có nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối người bị bạo lực tới các dịch vụ an sinh xã hội khác tại địa phương nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân và hội viên phụ nữ
22 mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" hướng đến xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, những phong tục, tập quán có hại trên dịa bàn, thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực, có lợi. tuyên truyền vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
- Sơn La: Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giữa Hội LHPN – Công an – Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân
Hội LHPN tỉnh Sơn La phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022; triển khai chương trình phối hợp năm 2023.
Trong giai đoạn 2019-2022, thực hiện Chương trình phối hợp, các đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; góp phần bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; nâng cao khả năng nhận biết về bình đẳng giới trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên, phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Hội nghị, các cơ quan đã tập trung thảo luận trao đổi bài học kinh nghiệm về công tác phối hợp trong việc giải quyết các vụ án xâm hại phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022 và đề một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình phối hợp trong thời gian tới.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 5 cá nhân của 04 đơn vị có thành tích xuất sắc trong chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án tỉnh về công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 – 2022.